Sáng sớm, bỗng nghe lại bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp. Lời ca mộc mạc nhưng âm nhạc thì mênh mang sâu nặng: Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…
Tuổi thanh xuân gắn với thủ đô
Còn bây giờ, tôi vừa nghe tin ông đã khởi hành chuyến về cõi vĩnh hằng vào trưa 9-1.
Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi (năm 1945), gia nhập Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công rồi phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948 nhưng phải đến khi tập kết ra Bắc, công chúng mới biết đến ông qua bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương (lời phỏng thơ Đằng Giao). Rồi ông vào học khóa sáng tác âm nhạc đầu tiên ở Hà Nội cùng các nhạc sĩ miền Nam như Hoàng Việt, Lưu Cầu, Trần Kiết Tường…
Học xong, ông về làm việc tại NXB Mỹ thuật - Âm nhạc. Là một biên tập viên nhưng ông tham gia dịch sách viết về lý luận và hướng dẫn tìm hiểu âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn còn nhớ là hồi nhỏ đã đọc say mê cuốn Các thể tài âm nhạc do Hoàng Hiệp dịch và giữ nó suốt gần nửa thế kỷ qua.
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước xảy ra, Hoàng Hiệp lấy thêm bút danh Lưu Nguyễn để ký dưới những bài hát viết cho miền Nam (Hành khúc giải phóng của Lưu Nguyễn và Long Hưng…).
Những bài ca không quên
Nhiều bài hát của ông gây ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng yêu nhạc như Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Lá đỏ. Tôi nhớ giọng hát cao chót vót của nghệ sĩ Tường Vy bắt chước tiếng chim đầy khát vọng khi hát Cô gái vót chông rung động lòng người. Tôi nhớ giọng hát của cặp song ca không chuyên Ngọc Bé - Huy Túc dọc đường Trường Sơn sưởi ấm tình cảm những đoàn quân ra trận. Tôi không thể quên ca sĩ Quý Dương hát Lá đỏ như tạc vào trùng điệp núi rừng hình ảnh người em gái tiền phương cùng đoàn quân giải phóng… Có thể nói, đó là những “bài ca không quên” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp tài hoa đã để lại cho đời.
Có người đã gọi Hoàng Hiệp là “ông hoàng phổ thơ”. Tôi chợt nhớ tâm sự của ông lúc sinh thời về những bài hát mà ông đã phổ thơ: “Ca khúc Nhớ về Hà Nội đến giờ vẫn làm tôi xúc động. Bởi đó là những cảm xúc thật, sâu và mãnh liệt. Phổ thơ là “phá” thơ nhiều lắm nhưng các nhà thơ không trách gì nên tôi cứ việc phổ. Dẫu sao, phần nhạc vẫn quyết định nhưng không có lời thơ hay, bài hát cũng không thể hay được” - một tâm sự khiêm nhường như ông vậy.
Từ ngày trở về miền Nam, Hoàng Hiệp như trẻ lại. Âm nhạc của ông gắn bó với đời sống tình cảm của tuổi trẻ. Những bài tình ca ra đời trong sự tiếp đón nồng nhiệt của công chúng như Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em… Đặc biệt là bài Trở về dòng sông tuổi thơ, như một bài “hát tủ” của nhiều ca sĩ, liên tục được hát từ khi nó ra đời và chắc chắn còn vượt thời gian để đến với các thế hệ sau: Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà…
Linh cữu nhạc sĩ Hoàng Hiệp quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3), lễ động quan lúc 8 giờ ngày 12-1 và sẽ đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM. |
Gia tài âm nhạc chua khai thác hết Không chỉ viết ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn thể hiện tài năng của mình qua nhiều tác phẩm viết cho sân khấu và phim. Đó là âm nhạc cho các vở kịch nói Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu... Hay phần nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa… và nhiều tác phẩm âm nhạc viết cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Với khoảng 300 ca khúc và nhạc không lời, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại một gia tài âm nhạc chưa khai thác hết. Với những tác phẩm đã được giới thiệu, ông đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về một nhạc sĩ tầm cỡ suốt đời vì công chúng. |
Bình luận (0)