Lời thúc giục của non sông
Năm nay, liên hoan mở rộng thêm chủ đề, khuyến khích các đơn vị dàn dựng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc TTVH TPHCM, 24 chương trình tham gia đã chuẩn bị khá chu đáo, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả nghệ thuật với sự mới lạ, độc đáo và tôn tạo thêm nữa tinh thần tự hào của dân tộc qua những ca khúc truyền thống cách mạng và âm nhạc của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông nhấn mạnh: “Trong liên hoan năm nay, chúng ta sẽ được thưởng thức những tác phẩm hùng tráng, bất hủ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, như: Non sông gấm vóc, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng… gợi nhớ truyền thống đánh giặc, giữ nước vẻ vang của cha ông ta. Từ âm hưởng hào hùng, bất khuất đó, các chương trình tham dự còn biểu diễn những ca khúc gắn liền với giai đoạn lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tiếng gọi sinh viên…
Một tiết mục biểu diễn trong Liên hoan Tiếng hát Truyền thống và ca nhạc Lưu Hữu Phước lần VII . ẢNH DO TTVH TP CUNG CẤP
Bảy năm qua, hàng trăm chương trình hợp xướng về âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được dàn dựng rất công phu, nghiêm túc.
GS - TS Trần Văn Khê nhận xét: “Thành quả đó thể hiện sự trân trọng của giới làm nghệ thuật đối với một trong những cánh chim đầu đàn của làng âm nhạc Việt Nam”.
Đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ
Trong lời giới thiệu tuyển tập Lưu Hữu Phước - Sự nghiệp âm nhạc (NXB Trẻ - 1989) có đoạn viết: “Trong hơn nửa thế kỷ qua, những khi nước mất, dân nguy thì những ca khúc của Lưu Hữu Phước lại vang lên. Lời ca như giọng hịch văn làm người ta thức tỉnh; điệu nhạc như tiếng loa, tiếng kèn thúc giục người ta xông lên phía trước. Biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã được nuôi nấng tâm hồn bằng những ca khúc ấy mà đứng dậy và lớn lên từ trong đêm dài bão tố đến những buổi bình minh sáng chói của lịch sử…”.
Viết về sự nghiệp âm nhạc của Lưu Hữu Phước, GS Trần Văn Giàu từng nhận định: “Chỉ cần nghe hát một hai lần là chúng ta không thể nào quên được những bài hát hùng tráng, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, như: Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Tiếng gọi sinh viên, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng…
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng viết: “Có một điều khá lạ là trong khi tôi thích nhạc Văn Cao với những Suối mơ, Thiên thai… thì tôi cũng thích một cách tương đương những Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang… của Lưu Hữu Phước. Tất nhiên, như một lần nhạc sĩ Văn Cao nói với tôi, trong dòng nhạc chiến đấu, các hành khúc của Lưu Hữu Phước đứng hàng đầu. Quả như thế…”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi gọi âm nhạc Lưu Hữu Phước là “Tiếng hát gọi đáp lời sông núi”: Những bài hát của Lưu Hữu Phước là những bài hát khí phách hào hùng, lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ, không thể lẫn được.
Khuyến khích sáng tác mới về biển đảo Dù đến ngày 27-8 liên hoan mới khai mạc nhưng hiện đã có nhiều đơn vị dàn dựng hoàn chỉnh chương trình, có đơn vị đã sử dụng màn hình LED chiếu những thước phim lịch sử liên quan đến các giai đoạn sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, giúp người xem có được cảm nhận sâu sắc, toàn diện về âm nhạc của ông. Ngoài 24 TTVH quận huyện, còn có chương trình của Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ, Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Ông Nguyễn Hữu Nghị cho biết: “Ban Tổ chức sẽ chọn 12 tiết mục xuất sắc nhất để tổ chức đêm trao giải và báo cáo vào tối 30-8 tại Nhà hát Bến Thành, HTV9 Đài Truyền hình TPHCM sẽ truyền hình trực tiếp. Liên hoan năm nay khuyến khích các sáng tác mới về biển đảo, thể hiện lòng tự hào của giới trẻ, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất của quê hương”. |
Bình luận (0)