Đến với rock một cách tình cờ
Ngọn lửa quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật trong tim chàng trai trẻ này chưa bao giờ tắt. Trước khi chia tay cuộc thi, Đông không quên khẳng định với khán giả: “Có thể hôm nay Đông không làm hài lòng quý vị nhưng hãy chờ ngày mai Đông sẽ làm hài lòng khán giả”.
Với một chàng trai trẻ sinh trưởng tại một vùng quê nghèo, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhạc trẻ và các chương trình giải trí như Đông thì niềm đam mê nhạc rock đến với em tình cờ như một mối lương duyên. Lần đầu tiên Đông tiếp xúc với rock là năm 12 tuổi, khi em có dịp tham gia một chương trình văn nghệ tất niên cuối năm do các học sinh tình nguyện ở một trường trung học phổ thông tổ chức và trong số các học sinh đó có rất nhiều “tín đồ” nhạc rock.
Đông tâm sự: “Lúc đó trong đầu em không có khái niệm rock là gì cả. Khi các anh chị ấy hát, thú thật lúc mới nghe mấy bài đầu em cảm thấy rất… phản cảm vì lúc đó em còn nhỏ và các phương tiện thông tin đại chúng cũng còn thiếu do đời sống khó khăn. Nhưng càng nghe, em càng cảm thấy như bị hút vào, cứ như một ngọn lửa đang bùng cháy mãnh liệt bên trong. Lúc đó, em không hiểu sao mình lại như vậy, cứ như bị thôi miên”.
Sau ngày hôm đó, Đông đã về tìm nghe những bài hát nhạc rock và đĩa đầu tiên em nghe chính là Tâm hồn của đá của ban nhạc Bức Tường. Lúc đầu, Đông cũng chỉ nghe với mục đích giải trí nhưng càng nghe em càng bị cuốn hút. Ca khúc ấy hấp dẫn đối với em một phần ở giai điệu nhưng quan trọng hơn là thông điệp mà bài hát nhắn gửi rất giản dị cứ thấm sâu vào tâm hồn.
Từ đó, Đông bắt đầu yêu thích rock và đã trải qua chặng đường từ một người không biết rock đến tập nghe rock và thích rock. “Thế thì tại sao mình không hát rock?”- Đông tự đặt ra cho mình câu hỏi như thế và em đã chọn bài hát này để tập luyện. Trước khi đến với cuộc thi, em đã hát cho bạn bè nghe và nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình, giúp em thêm phần tự tin và thể hiện khá thành công ở vòng thi Giấu mặt.
Theo đuổi niềm đam mê âm nhạc
Mong muốn được hoạt động trong ngành âm nhạc đã được Hà Văn Đông ấp ủ ngay từ những năm đầu học trung học. Nhưng hiện em lại đang theo học chuyên ngành sư phạm âm nhạc, một ngành mà theo Đông chưa hẳn là chuyên môn mà em muốn theo đuổi nhất. Đông lý giải: “Em định hướng học về thanh nhạc nhưng sau khi tìm hiểu và biết được trong ngành thanh nhạc chính quy có những môn rất khó cho người khiếm thị như môn hình thể, múa, trang điểm… nên em quyết định không học thanh nhạc nữa mà học sư phạm âm nhạc. Như vậy, có cái hay là sau này mình có thể truyền đạt những kiến thức đã học được cho những người khiếm thị có cùng đam mê vì người khiếm thị thường được trời ban năng khiếu âm nhạc rất tốt”.
Trước khi đến với Giọng hát Việt, Đông đã từng tham gia nhiều cuộc thi hát khác như game show Tôi là ngôi sao, Vietnam Idol 2010. Thành tích tốt nhất của em là giải nhất cuộc thi Be U-nik lần 5 do Honda tổ chức. Đến với Giọng hát Việt, Đông thật sự đã chinh phục khán giả bằng ngọn lửa trái tim và khát khao thể hiện niềm đam mê ca hát như bao người bình thường khác, như chính Đông từng khẳng định trong tập 5 Giọng hát Việt: “Bằng giọng hát, tôi có thể bước đi bằng chính đôi chân của mình. Tôi bình đẳng như bao người khác”.
Hiện tại, học phí của Đông đang được trang trải bằng nguồn học bổng từ các hội khuyến học và thư viện sách nói. Dự định sau khi ra trường, bên cạnh việc trở thành một giảng viên âm nhạc, Đông vẫn hy vọng em sẽ có một nguồn tài trợ nào đó để đi học thêm, bổ sung chuyên môn về thanh nhạc. Đông rất muốn nâng cao trình độ chuyên môn vì em vốn không được đào tạo bài bản. Đối với Đông, tất cả những gì em có được ngày nay đa phần là học tập qua các cuộc thi, các chương trình truyền hình thực tế, và Giọng hát Việt là một trong những chương trình như vậy.
Muốn được đối xử như người bình thường Song hành với nguyện vọng truyền đạt kiến thức âm nhạc cho mọi người, Đông cũng muốn được đi hát nhiều nơi, dùng giọng hát của mình để kết nối giữa người khuyết tật với những người bình thường. Dưới góc nhìn của những người bình thường, người khuyết tật luôn phải phụ thuộc gia đình và xã hội, dẫn đến đôi khi họ có những nhìn nhận không đúng về người khuyết tật, trong khi bản thân những người khuyết tật lại hay có tự ti, mặc cảm và sống khép kín với bên ngoài.
Đông mong muốn qua giọng hát của mình truyền đạt tới mọi người rằng: “Hãy thay đổi cách nhìn nhận đối với người khuyết tật và chú ý, quan tâm giúp đỡ họ nhiều hơn. Hãy khen và chê chúng tôi công bằng như bao người khác”. Còn với các bạn khuyết tật, Đông cũng muốn nhắn gửi: “Mỗi người trong các bạn đều là một cá thể duy nhất trong xã hội. Các bạn hoàn toàn có đủ năng lực để làm những điều mình muốn”. |
Bình luận (0)