NSND Ngọc Giàu cùng con gái và cháu ngoại
Cách đây 3 năm, khi kết thúc live show Khúc tương tư, dù kết toán bị lỗ nhưng nghệ sĩ (NS) Ngọc Giàu vẫn cười tươi rói: “Một cô bé học chưa hết lớp 5, nhà nghèo đến nỗi phải cắt vạt áo dài của má để may áo bà ba đi học, rồi vào đời chỉ có mỗi cái tên Ngọc Giàu mà ba má đặt cho, 55 năm qua nuôi cả gia đình nhờ bà con khán giả thì nay tri ân qua 2 suất hát, có lỗ mấy cũng vui”. Thế rồi bà vay tiền ngân hàng, thực hiện lời hứa trao tặng tiền mổ mắt cho người nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể.
Một đời cơ cực
Mới đây, NSND Ngọc Giàu điện thoại cho tôi khoe: “Sau 3 năm, tôi đã trả hết nợ ngân hàng rồi. Tôi vừa nhận được lá thư của một bạn sinh viên được tặng tiền mổ mắt, nay đã vào ĐH năm nhất. Tôi đọc thư vừa vui mừng vừa cảm động đến không ngủ được”.
NSND Ngọc Giàu ca bài Mẹ vẫn đợi con về, NSND Viễn Châu đàn tranh sáng ngày 20-5-2012 (ảnh Thanh Hiệp)
Ít ai trong giới NS có cuộc đời cơ cực như NSND Ngọc Giàu. “Cha tôi đặt tên các con theo một câu thơ “Thành, Tâm, Tu, Niệm, Giàu, Sang, Trên, Đời” nhưng tới lượt tôi ra đời, vì nhà quá nghèo, má dứt khoát không sinh nữa. Để biết chữ, tôi phải lội bộ mỗi ngày 6 cây số ra nhà thờ Thủ Thiêm học. Hồi đó, dù chưa biết đọc nhưng tôi đã thuộc nhiều bài ca. Anh thứ ba của tôi theo gánh Sơn Đông mãi võ bán thuốc bắc, năm tôi học chưa hết lớp 5 đã được anh dắt theo...” - bà nhớ lại.
NSND Ngọc Giàu năm 20 tuổi (ảnh do NS cung cấp)
Một hôm, bà chủ quán Lệ Liễu ở Thị Nghè đến tìm Ngọc Giàu vì “nghe nói con bé ca hay lắm”. Bà bảo nếu ca ở quán Lệ Liễu, mỗi tháng Ngọc Giàu được trả 10 đồng. “Ba tôi làm công ở các công trường xây dựng, mỗi tháng lái xe hủ lô cũng chỉ kiếm được 5 đồng. Nghĩ đến việc có được số tiền nhờ ca hát ở quán Lệ Liễu thì ba sẽ không còn đội nắng dầm mưa lái xe nữa, tôi liền nhận lời” - NSND Ngọc Giàu kể.
Sau một thời gian ca ở quán Lệ Liễu, Ngọc Giàu được bà bầu Đoàn Kim Chưởng mời về hát với “vua xàng xê” Minh Chí. “Năm đó tôi mới 14 tuổi, do không có ngực nên mỗi tối khi diễn, tôi phải lấy vải độn vào áo mới đóng vai đào được. Nhờ chú Minh Chí giới thiệu, tôi vào hãng Việt Hải thu dĩa. Soạn giả Viễn Châu đã viết chặp cải lương hài Chú rể trong lu cho tôi ca với NS Thanh Việt và Hề Minh. Sau đó, ông còn viết cho tôi nhiều bài ca cổ: Gió biển Hà Tiên, Áo tình đắp mộ người yêu, Lan và Điệp...” - bà hồi tưởng.
NSND Kim Cương chụp ảnh lưu niệm với thân sinh của NSND Ngọc Giàu và người chị ruột của bà
trong ngày giỗ của mẹ NSND Ngọc Giàu năm 2008 (ảnh Thanh Hiệp)
Nổi tiếng năm 15 tuổi, một năm sau, Ngọc Giàu đoạt HCV Giải Thanh Tâm. “Bao nhiêu năm qua, nhờ giọng ca mà tôi nuôi cả gia đình. Giờ đây, vay nợ làm từ thiện, tri ân tình cảm của công chúng bằng sự san sẻ với người khốn khó, đó là chuyện bình thường với tôi” - NSND Ngọc Giàu tâm sự.
Không chê vai nào
NSND Ngọc Giàu cho biết nhìn lại chặng đường đã qua, bà không có điều gì phải tiếc nuối. “Những đau khổ trong đời là hành trang của nghề. Năm con gái tôi lìa đời do bị ung thư máu lúc cháu 12 tuổi, tôi đã nhận ra mình sẽ không giữ được gì nếu trong cuộc sống chỉ biết khư khư ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Người ta nói sống là cho nhưng với tôi như thế vẫn chưa đủ mà là phải cho cái tốt. Hãy sống tốt thì cuộc đời sẽ mỉm cười với mình” - bà thổ lộ.
NSND Ngọc Giàu và NS Lê Tín trong chương trình biểu diễn tại Mỹ (ảnh Thanh Hiệp)
Mang trái tim mẫn cảm, Ngọc Giàu đi vào hàng ngàn tính cách nhân vật thấm đẫm nghĩa tình dù đó chỉ là vai phụ. Từ bà lão cho đến con nít, giả trai hay nữ tướng, ở sân khấu cải lương, kịch nói, truyền hình hay điện ảnh, bà không chê vai nào. Với những vai phụ, bà đã “đắp da thêm thịt” để nhân vật sống mãi trong lòng khán giả, điển hình là Bảy cán vá trong vở Đời cô Lựu. NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở này lưu diễn Tây Âu theo lời mời của UNESCO vào tháng 2-1984, nhìn nhận: “Vai Bảy cán vá trong tuồng chỉ có vài dòng nhưng Ngọc Giàu đã làm cho vai này bất tử”.
Không chỉ với khán giả trong nước, trong các chuyến Ngọc Giàu lưu diễn hải ngoại, khán giả kiều bào vẫn yêu cầu bà “giễu một chút cánh tay cán vá”. Có lần, một bà cụ ở San Diago - Mỹ nhập viện cấp cứu, hay tin Ngọc Giàu sang đã nhắn con cháu bằng mọi cách mời bà vào bệnh viện. “Khi tôi tới giường bệnh, cụ cầm tay ân cần: “Hồi đó nhờ xem cô giễu với vai Bảy cán vá mà tôi quen với ba của tụi nhỏ. Tôi có tới 13 người con, hễ con gái thì đặt chữ lót là Ngọc, con trai chữ Giàu”. Tôi bật khóc vì cảm động và vui sướng” - bà bồi hồi.
NSND Ngọc Giàu chải tóc cho cô em gái cưng nhất trong nghề - NSND Lệ Thủy (ảnh Thanh Hiệp)
Ngọc Giàu nhớ hồi còn xuân sắc, bà diễn vai Hoạn Thư bị khán giả ghét cay ghét đắng, nhiều phụ nữ còn ném cả guốc lên sân khấu. “Tối về, tôi khóc và thề không đóng vai ác nữa. Ba tôi liền khuyên: “Con phải mừng vì đóng ác mà bà con tưởng thiệt, vậy là thành công. Quý hơn nữa là cái ác của con cảnh tỉnh người đời tránh xa nó” - bà xúc động.
Có được nhiều niềm vui
Ngày chia tay người chồng cũ, Ngọc Giàu đến tá túc nhà NSND Bạch Tuyết trước khi được Nhà nước cấp cho căn phòng nhỏ ở chung cư rạp Hưng Đạo - TPHCM. Sau này, người chồng cũ bán căn nhà mặt tiền, cầm hơn 10 lượng vàng đến đưa cho bà. Nhìn ông tiều tụy, bà xót xa: “Anh cất đi, để dành lo tuổi già. Lớn tuổi rồi, đừng sống phóng túng nữa”. Rồi khi Ngọc Giàu quyết định kết hôn lần thứ hai với nhạc sĩ Nguyễn Kim Bằng, ba của bà vui ra mặt vì tin rằng con gái mình đã tìm được hạnh phúc.
Mới đây, Nguyễn Ngọc Phượng, con gái của NSND Ngọc Giàu, dẫn con từ Mỹ về thăm bà. “Cháu tôi chưa thôi nôi nhưng đã mê nghe bà ngoại ca vọng cổ” - bà khoe. Sau biết bao đau buồn của cuộc đời, ở tuổi 67, NSND Ngọc Giàu cũng có được nhiều niềm vui. “Bây giờ, đem tiếng cười lạc quan đến cho khán giả là niềm hạnh phúc của tôi” - bà bày tỏ. |
Bình luận (0)