xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Viễn Châu tự tình ngày xuân cùng "12 con giáp"

Thanh Hiệp (thực hiện). Ảnh: Thanh Hiệp - Hùng Lý

(NLĐO) - NSND soạn giả Viễn Châu, người được giới mộ điệu cải lương tôn vinh là "vua vọng cổ", đã kể lại những kỷ niệm, câu chuyện vui về mùa xuân gắn liền với sàn diễn sân khấu. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, dù tuổi đã cao, ông vẫn nhớ như in những tháng ngày theo gánh hát, cùng những vở diễn đủ bộ sưu tập "12 con giáp".

*Phóng viên: Mùa xuân là mùa "bội thu" của các gánh hát trước đây. Những ngày này, người dân rất thích đến rạp xem cải lương. Nhân dịp xuân Quý Tỵ, NSND soạn giả Viễn Châu có thể kể lại những kỷ niệm ông từng có vào mùa này?
                                                                                                                                                                                                    
NSND Viễn Châu: - Mùa xuân là mùa lễ lớn của dân tộc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành phong tục, tập quán, nề nếp và truyền thống của văn hóa Việt. Dù bôn ba xứ người hoặc ở tận những miền hẻo lánh, đó cũng là một trong những sản phẩm quý giá thuần tính dân tộc của non sông bốn nhìn năm văn hiến. Tôi nhớ những ngày tết, các gánh hát thường trả lương cho nghệ sĩ gấp ba lần bình thường vì vé bán hết sạch, có gánh hát ba suất mỗi ngày.
                      
Khán giả vào xem hát đều ăn mặc lịch sự, trẻ già gương mặt đều hân hoan. Ban nhạc cổ chúng tôi ngồi phía dưới sân khấu được bà con lì xì, có người mang bánh tét, bánh ú đến biếu, vui không thể quên được. Đoàn hát phấn khởi nên nghệ sĩ ca diễn hăng lắm! Không khí đó ngày nay không còn nữa...
                                                                
img
NSND soạn giả Viễn Châu và Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê trên sân khấu Nhà hát TP trong chương trình Làn điệu phương nam
                    
img
NSND soạn giả Viễn Châu và NSƯT Thanh Ngân

*Từng được sang Pháp lưu diễn những năm còn trẻ, đó có phải động lực để ông cho ra đời bài vọng cổ “Xuân đất khách” đầy xúc động?   
                                                                                                                                                                                                                                
- Ðối với người Việt tha hương, nhất là những người lưu lạc ở xứ lạnh, nơi ít đồng hương cư ngụ, khí xuân chắc hẳn khó hiển hiện rõ quanh họ. Nhưng chắc chắn trong lòng họ đều rạo rực một niềm hân hoan, bừng bừng một nỗi mong chờ về mùa xuân nơi đất tổ.
 
Tôi viết bài ca cổ Xuân đất khách cũng từ chất liệu của chuyến đi Pháp năm đó theo lời mời của UNESCO, đoàn nghệ sĩ VN sang diễn và cải lương đã được đón tiếp trọng thị trên xứ người. Ðối với đồng bào Việt sinh sống ở hải ngoại, mùa xuân là mùa của hội hè, đình đám, giải trí, vui chơi sau những ngày tháng làm việc vất vả, mà đỉnh cao là tết Nguyên Ðán.
                                                                                              
img 
Tác giả bài viết và NSND soạn giả Viễn Châu - NSƯT Út Bạch Lan

*Nhiều nghệ sĩ từng nói dù tuổi đã cao nhưng "vua vọng cổ" Viễn Châu vẫn nhớ rất rõ ràng những tuồng tích gắn liền với 12 con giáp và thường kể cho mọi người nghe như một kỷ niệm vui. Không chỉ vậy, ông còn có thể nêu rành mạch tên những nghệ sĩ danh tiếng tham gia trong từng vở...
                                                                                                                                                            
- Các đồng nghiệp của tôi có nhiều sáng tác gắn liền với tên 12 con giáp. Thời trẻ, tôi còn là một ký giả, viết báo, viết truyện nhiều kỳ cho các tạp chí. Tết đến trong giới văn nghệ sĩ gặp nhau hay nói về vở diễn mới, tôi thường lưu chúng trong trí nhớ hoặc viết vào sổ tay của mình.
 
Trong đó, với Tý, con giáp đầu tiên, kho tàng cải lương có vở Nuôi chuột huyện đề của Quy Sắc đã được NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSƯT Bảo Quốc, NS Hồng Nga... diễn; Sửu có vở Ngưu Lang - Chức Nữ của tác giả Cẩm Tâm với NS Vũ Luân, Tú Sương hoặc Vụ án Mã Ngưu của tác giả Đăng Minh do các nghệ sĩ: Châu Thanh, Phượng Hằng,...biểu diễn; Dần có vở Vua hóa hổ của tác giả Thanh Điền, đã từng diễn trên sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 1; Mẹo có vở Trạng Mèo cưới vợ câm của tác giả Bạch Mai với Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Chí Linh, Vân Hà,...
                                      
img
NSƯT Phương Quang tặng hoa chúc mừng NSND soạn giả Viễn Châu nhân ngày sinh nhật lần thứ 89

Nhắc đến Thìn, chúng ta có vở Long Phụng Châu báo quốc của tác giả Bạch Mai, đã được NSƯT Vũ Linh, Thoại Mỹ, NS Tài Linh, Vũ Luân,...diễn; Tuổi Tỵ có vở cải lương Thanh Xà - Bạch Xà của đạo diễn Tất My Loan đã từng được NSƯT Minh Vương, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ,... diễn tại nhà hát Hòa Bình; Ngọ có vở Câu thơ yên ngựa do Hoàng Yến, Thanh Tòng, Thanh Bạch diễn với NSND Thanh Tòng, NS Trinh Trinh, Quế Trân,... Mùi có vở Tô Võ chăn dê nổi tiếng với danh ca Minh Cảnh, Út Hiền, Út Hậu, Thanh Tao, Thúy Nga... Thân có vở Bạch Viên-Tôn Các do NSƯT Út Bạch Lan, NS Linh Vương, Bảo Linh, Đỗ Quyên, Linh Châu... diễn.
 
Dậu có vở Giấc mộng kê vàng của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc diễn với NSƯT Thành Lộc, NS Hồng Đào,... Tuất có vở kịch dân gian Giết chó dạy chồng của Lê Chí Trung diễn tại Sân khấu kịch Phú Nhuận. Hợi có vở kịch Lò heo quay mà tết này Kịch Sài Gòn sẽ tái diễn tại rạp Đại Đồng.
                                                                                                                                           
img
NSND soạn giả Viễn Châu đệm đờn tranh tập bài ca vọng cổ mới cho NSND Lệ Thủy

*Mùa xuân mới lại đến, ông mong ước sẽ thực hiện được điều gì nhất trong năm Quý Tỵ này?
                                                                                                                                                                                                
- Dân tộc ta có một truyền thống văn hóa dựa trên triết lý nhân bản, dân tộc đoàn kết, và trăm lòng hợp nhất thể hiện qua sự tích Trăm trứng Tiên Rồng. Tôi đã từng sáng tác nhiều bài ca cổ viết về đề tài trên nhưng sáng tác kịch bản thì tuổi già sức yếu. Dẫu vậy, tôi vẫn mong sao có sức khỏe để hoàn tất một kịch bản ý nghĩa này.
 
Hôm qua đọc được bài thơ rất hay: “Dân ta lịch sử mấy nghìn năm, trăm trứng đua chen tỏa nắng hồng, năm mươi theo Mẹ lên triền núi, một nửa cùng cha xuống biển đông”. Dù theo mẹ lên núi hay theo cha xuống biển, dù đồng bào ta ở khắp mọi nơi, cách nhau muôn vạn thiên lý, nhưng lòng vẫn cứ ở bên nhau, vẫn nhớ mình là con Hồng cháu Lạc, giống Tiên-Rồng, được sinh ra từ một bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Tinh thần đó được tỏa khắp mọi nơi, mọi thời đại, và tôi muốn đưa vào kịch bản để nhắc nhở thế hệ trẻ phải tự hào mà góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ non sông, làm vẻ vang cho giống nòi.
                       
*Đã viết vô số bài ca cổ, cho ra đời các kịch bản hay, ông có lời khuyên nào dành cho các tác giả trẻ khi viết kịch bản về truyền thống dân tộc Việt?
                                                                                                                                              
- Theo tôi, các bạn trẻ phải am tường truyền thống, phong tục của ông cha bao đời qua, ngay cái tết cổ truyền phải hiểu mới viết vở xuân hay. Đồng bào ta thường lấy ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, làm ngày khởi đầu cho năm mới, đó chính là sự khởi đầu của ngày tết. Theo quan niệm xưa, từ ngày này trở đi các thần đều về chầu Ngọc Hoàng, nên dịp này ma quỷ thường hay đến quấy phá trần gian.
 
Vì lẽ đó, hầu hết mọi gia đình Việt đều dựng một cây nêu, trên ngọn treo cái khánh và cột chỉ ngũ sắc để xua đuổi tà ma. Ðêm cuối cùng của tháng chạp dân ta gọi là đêm giao thừa hay còn gọi là đêm trừ tịch, tiễn năm cũ đón năm mới. Theo tục lệ, đúng 12 giờ khuya, tức vào giờ Tý, mọi gia đình đều bày mâm cơm để làm lễ cúng cúng tổ tiên, và rước tổ tiên, ông bà, những người thân yêu đã quá cố về cùng ăn tết với gia đình.
 
img
NS Hồng Nga và Linh Tâm trong vở Hoa Mộc Lan của soạn giả Viễn Châu

Theo lệ cổ sáng mồng một, mọi người trong gia tộc đều thắp hương kính lễ tổ tiên, sum vầy vui xuân cùng gia quyến bên nội; ngày mồng hai những người đã lập gia đình đưa vợ con đến chúc tết gia quyến bên ngoại; đến ngày mồng ba những người có học thường đến chúc tết thầy dạy của mình để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Vì thế mà tục ngữ mới có câu rằng: "Mồng một lễ tại gia, mồng hai nhà vợ, mồng ba tết thầy".
                                                                  
Có nhiều vật luôn liên hệ đến tết và đã trở thành những biểu tượng của ngày lễ này, như hoa đào ở miền Bắc và hoa mai ở miền Trung và Nam. Những hàng câu đối và những bức tranh dân gian cũng được người dân Việt treo trong nhà một cách trang trọng. Ý nghĩa của những câu đối và những bức tranh đó không ngoài mục đích diễn tả sự hân hoan, ý nguyện hướng thiện và hoàn thiện bản thân, nhắc nhở con cháu nhớ đến công đức của tổ tiên, đến những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa của người xưa.
 
Trong đời tôi, mỗi cái tết đều có những ý nghĩa riêng… hãy giữ truyền thống, giữ nền tảng của dân tộc qua cái tết cổ truyền là điều mà mỗi tâm hồn Việt phải ghi nhớ.
 
img
NS Phượng Liên, Chí Tâm và Hồng Nga trong hoạt cảnh Huyền sử bài tân cổ giao duyên - vinh danh soạn giả Viễn Châu tại Mỹ
 
*Theo những gì ông nói, muốn viết kịch bản lịch sử hay phải hiểu lịch sử, viết phong tục phải rành phong tục như "lòng bàn tay", phải chăng cải lương ngày nay thiếu hẳn những kịch bản sâu sắc nên khán giả quay lưng?
                                                            
- Một phần còn do tác giả sáng tác mà không bám chặt vào hơi thở cuộc sống nhưng cái chính theo tôi nghĩ phải hiểu rõ phong tục tập quán viết mới hay, thu hút khán giả. Ví như, tết Nguyên Ðán được hình thành từ thời Hùng Vương và được truyền đến ngày hôm nay. Trong đó, sự tích bánh chưng, bánh dày cho chúng ta biết điều đó và câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu cũng góp phần tô điểm cho ngày tết thêm ý nghĩa.
 
Theo truyền thuyết, bánh dày có hình tròn, không có nhân tượng trưng cho trời, ý nghĩa là công cha; còn bánh chưng có hình vuông, gói lá xanh, trong có nhân đậu và thịt, tượng trưng cho đất, hàm ý là nghĩa mẹ theo quan niệm thời xưa, đất có hình vuông gồm cây cối, sông ngòi, động vật, ngũ cốc... tượng trưng cho sự cưu mang của người mẹ... Mỗi câu chuyện đều hàm chứa ý nghĩa cao đẹp là thế nhưng có tác giả lại viết như một cái cớ để đưa sự hài hước vào, do vậy kịch bản không sâu sắc.  
        
Xin cảm ơn ông!
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo