xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Bảo Quốc: Ba nỗi đau, một phận nghề

THANH HIỆP

Phía sau tiếng cười của các danh hài thường có những buồn đau dồn nén. Với NSƯT Bảo Quốc, ba nỗi đau mất người thân đã tác động thật lớn đến sự nghiệp 52 năm theo nghề của ông

Với hai đêm live show 52 năm - Góp với nhân gian một tiếng cười tại Nhà hát Hòa Bình – TPHCM tối 14 và 15-5, NSƯT Bảo Quốc không chỉ tri ân khán giả. Ông thực hiện chương trình này như là cách tưởng nhớ cha mẹ, người thân và những người thầy của mình.

Đau đáu ánh mắt cha

Theo soạn giả Kiên Giang, trong 10 người con của nghệ sĩ Năm Nghĩa với bà bầu Thơ của gánh hát Thanh Minh – Thanh Nga, ông chú ý đến anh con trai thứ sáu - Bảo Quốc. “Khổ nỗi, hồi ấy tôi cứ mê làm cầu thủ bóng đá” – Bảo Quốc nhớ lại.

Bảo Quốc từng mê làm cầu thủ hơn là làm nghệ sĩ. Cứ đi học về, quăng cặp xuống bàn là cậu lại lén cha mẹ đi đá banh với đám bạn trong xóm. Nghệ sĩ Năm Nghĩa đã từng mời danh cầm Út Trong về dạy Bảo Quốc ca theo nhịp. “Một ngày học 2 giờ, thời gian đó tôi như sống trong địa ngục. Thấy bóng dáng của ba, tôi mới học theo kiểu đối phó” - Bảo Quốc kể.

Một hôm, năm Bảo Quốc lên 9 tuổi, một kép nhí trong đoàn bị bệnh nặng. Cậu được cha cho lên hát thế trong vở Người vợ không bao giờ cưới, đóng vai con của nghệ sĩ Út Bạch Lan. “Tôi nói với ba: “Con hát một đêm nay thôi nghen! Mai thằng đó hết bệnh, ba kêu nó hát đi, con không hát nữa đâu”. Ba tôi nén bực dọc, cố cười và xoa đầu tôi, bảo: “Con phải yêu vai diễn nhỏ thì mới có vai diễn lớn chứ. Hãy yêu nghề hát, đừng yêu hào quang của nghề này”. Vậy mà đêm đó, tôi diễn ngon lành, khán giả xuýt xoa khen ngợi. Các cô, chú trong đoàn cũng khen tôi dạn dĩ, có triển vọng; còn chị Út Bạch Lan thì khuyên: “Em phải ráng lên, đừng phụ lòng cậu mợ” – Bảo Quốc hồi tưởng.

Sau đó không lâu, căn bệnh lao phổi thời kỳ cuối đã cướp đi sinh mạng nghệ sĩ Năm Nghĩa. Ông ho ra máu khi đang ngồi viết kịch bản cho con trai mình hát. “Ba luôn kỳ vọng tôi sẽ là một kép chính, được thành danh như chị Ba Thanh Nga. Ông mất đi để lại cho tôi nỗi trống trải lạ kỳ. Tôi thấm thía những lời ông khuyên nhủ khi còn sống. Mỗi buổi học ca với thầy Út Trong, tôi thèm được nhìn thấy ánh mắt của ba đau đáu theo dõi đứa con trai và rồi ân hận vô cùng. Từ đó, tôi vào nghề, quyết tâm biến ước mơ của ba tôi thành hiện thực - tôi phải là kép chính của một đại bang” – NSƯT Bảo Quốc cho biết.

Chị Ba đi rồi

Khuya 26-11-1978, tin dữ đến với Bảo Quốc khi NSƯT Thanh Nga, người chị thứ ba của ông, bị ám sát tại nhà riêng. NSƯT Bảo Quốc cho biết nỗi đau đó ám ảnh ông suốt đời. “Năm ngày sau đám tang của chị Ba Thanh Nga, Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga. Tôi đóng vai Đinh Lăng, khi ra sân khấu xướng “Bẩm thái hậu, Đinh Lăng ứng hầu”, tôi không cầm được nước mắt. Nghệ sĩ Kim Hương đóng thế vai thái hậu của chị tôi cũng không nén được, cùng những nghệ sĩ xung quanh đều nức nở” – Bảo Quốc xúc động.

img

NSƯT Bảo Quốc (trái) và con gái Hồng Loan diễn vở Lữ Bố hí Điêu Thuyền tối 14-5. Ảnh: XUÂN THẢO
Theo NSƯT Bảo Quốc, trong sự nghiệp của mình, ông luôn xem NSƯT Thanh Nga - người chị mà từ khi cha mất đi, ông thường noi gương để phấn đấu trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp – là thần tượng. NSƯT Bảo Quốc tiết lộ: “Chị em tôi là con của bầu gánh, luôn được mọi người cưng chiều, ưu ái nhưng chị Ba Thanh Nga không ỷ lại điều đó để làm khó ai mà luôn sống giản dị. Chính chị đã phát hiện tôi có năng khiếu diễn hài. Dù năm 1968, tôi đoạt HCV giải Thanh Tâm với vai kép chính trong vở Hiệp sĩ mù nhưng chị vẫn động viên: “Em diễn hề được đó, nên chuyển đi”. Từ sự khích lệ của thần tượng, tôi đã có một cuộc chuyển đổi nhưng vẫn chưa tự tin lắm”.

Cái chết đột ngột của NSƯT Thanh Nga đã tiếp thêm cho Bảo Quốc nghị lực, ông xác định phải tự tin hơn, đừng ỷ mình là con của bầu gánh mà lơ là việc trau dồi, phấn đấu. “Lúc đó, dù đã có nhiều vai hài trong các vở cải lương nhưng khi mất thêm một điểm tựa trong đời và trong nghệ thuật, tôi cũng chới với, mất phương hướng. Tôi phải tự thân đón nhận những thử thách và luôn nghĩ rằng chị Ba Thanh Nga vẫn sống, vẫn luôn ở bên mình” – ông tâm sự.

Tiếng cười giòn của mẹ

Năm NSƯT Bảo Quốc 39 tuổi, nỗi đau thứ ba lại ập tới: Mẹ ông - bà bầu Thơ, người mà giới ký giả kịch trường trước năm 1975 tặng danh hiệu “Bà bầu của những ông bà bầu”- qua đời.

NSƯT Bảo Quốc ngậm ngùi: “Mẹ tôi cả đời cơ cực vì nghề hát. Bà đã cạn nước mắt khi liên tục khóc ba tôi, anh Hai - ba của Hữu Châu, rồi chị Ba Thanh Nga, sau đó là đứa em kế tôi. Từ nỗi đau mất mẹ, tôi quý trọng hơn nữa giá trị của một gia tộc làm nghệ thuật. Tôi cố gắng sống đúng như những lời mẹ đã dạy: Đừng phỉ báng nghề hát và sống thật đẹp với danh tiếng của một nghệ sĩ”.

img
Bảo Quốc (phải) và Vũ Luân trong vở Đi biển một mình, diễn tối 14-5. Ảnh: XUÂN THẢO
Giai đoạn 1988-1990, Bảo Quốc là một trong những nghệ sĩ hài tiên phong phát triển chương trình Tiếng cười Sân khấu. Ông kể: “Lúc còn sống, mẹ tôi ít khi cười lắm. Bà xem nhiều vở hài nhưng rất khó có ai làm cho bà cười. Vậy mà một lần xem tôi diễn tiểu phẩm hài Lên đường tòng quân với nghệ sĩ Duy Phương, bà đã cười thật giòn. Tiếng cười của mẹ đã động viên tôi rất nhiều”.

NSƯT Bảo Quốc cho biết sau lúc mẹ lìa trần, ông đã vươn tới những vai diễn ấn tượng: Y xì ke (vở Bóng tối và ánh sáng), chư hầu (Tiếng trống Mê Linh), Hiếu Danh (Bên cầu dệt lụa)…

Đa dạng, ấn tượng

Trưa 7-5-2011, khi các nghệ sĩ quây quần trên sàn tập để chuẩn bị cho live show của mình, NSƯT Bảo Quốc lặng lẽ vào trong hậu trường thắp nén hương cho cháu - cố nghệ sĩ Hữu Lộc. “Hôm nay là giỗ đầu của Lộc. Một năm trôi qua rồi nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Lúc còn sống, Lộc vẫn thường nói: “Con sẽ đứng ra tổ chức live show cho chú Sáu, phải làm thật hoành tráng. Vậy mà...”. Ông lau nước mắt rồi bước ra sàn tập.

Năm nay tròn 61 tuổi với 52 năm theo nghề, NSƯT Bảo Quốc  luôn được đồng nghiệp và khán giả yêu mến. NSƯT Thành Lộc nhận xét: “Danh hài Bảo Quốc không cố tạo nhân cách cho mình. Anh sống thẳng ngay, không làm phiền ai, dù có gặp chuyện căng thẳng cũng chỉ nói “Sao kỳ vậy?”, rồi xem như không”. NSƯT Kim Cương nói: “Ông Năm Nghĩa và bà bầu Thơ là tấm gương cho thế hệ con cháu noi theo về cách làm nghệ thuật nghiêm túc, đạt những thành quả đáng trân trọng”.

Không chỉ là một trong những nghệ sĩ hài của TPHCM đặt viên đá đầu tiên cho phong trào Tiếng cười Sân khấu, NSƯT Bảo Quốc còn là “cây đinh” của chương trình hài kịch Trong nhà ngoài phố của HTV, tham gia ban giám khảo các trại sáng tác cuộc thi kịch bản hài... Trên sân khấu cải lương, ông là người tạo ra phong cách diễn hài đa dạng; mỗi tính cách, mỗi vai diễn đều được ông nghiên cứu rất kỹ để tạo nên tiếng cười ấn tượng. “Bảo Quốc là nhân chứng sống của sự biến chuyển tiếng cười trên sân khấu miền Nam”- soạn giả Kiên Giang khẳng định.

Những vai diễn để đời của Bảo Quốc

Đêm live show 52 năm - Góp với nhân gian một tiếng cười đầu tiên vào tối 14-5 diễn ra trong không khí ấm áp, xúc động. Đạo diễn Tất My Loan đã mang đến sân khấu những hình ảnh thân quen của các gánh hát xưa.
Sàn diễn chuyển động với những khung ảnh bạc màu thời gian, lúc NSƯT Bảo Quốc lên 9-10 tuổi đã bước lên sân khấu. NSƯT Ngọc Giàu hóa thân vào vai bà Sáu bán quạt giấy và hạt dưa, cùng lên dẫn chuyện, đưa người xem ngược về với gánh Thanh Minh - Thanh Nga, chiếc nôi nghệ thuật của NSƯT Bảo Quốc…
Với vai Nhan Tấn (vở Nỏ thần, từng mang về cho Bảo Quốc HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009), ông đã chinh phục khán giả thêm lần nữa trước lối diễn duyên dáng, sâu sắc. Vai nhà đạo đức giả trong vở Đi biển một mình lại làm người xem cười nghiêng ngả.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã cố gắng thể hiện vai người con rơi gặp lại cha, ca vọng cổ rất mùi, lớp diễn thuyết phục được khán giả. Vai quan Tư Đồ (Lữ Bố hí Điêu Thuyền) mà Bảo Quốc từng được NSND Ba Vân uốn nắn, nay ông diễn lại với tinh thần nâng đỡ con gái mình - nghệ sĩ Hồng Loan - vai Điêu Thuyền.
Cuối cùng, với vai xã trưởng (vở Thị Mầu lên chùa), NSƯT Bảo Quốc khiến khán giả vỡ òa tiếng cười ý nhị khi diễn cùng nhiều danh hài: Hồng Vân, Tấn Beo, Phước Sang, Anh Vũ, Calvin Hiệp, Tiểu Bảo Quốc…

Khép lại đêm diễn, gánh hát dọn đi nơi khác, để lại trong lòng khán giả bao tiếc nuối, vấn vương về một thời hoàng kim của sân khấu cải lương, một thời Thanh Minh – Thanh Nga làm mưa làm gió, một thời Bảo Quốc khuấy động người xem bởi những vai diễn để đời…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo