Hơn 3 năm viết kịch bản, sửa tới sửa lui cho đề tài tâm huyết về giới đồng tính - vốn chưa được khai thác trên phim ảnh Việt Nam tại thời điểm chuẩn bị dự án - đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã hăm hở mang kịch bản hoàn chỉnh về nước tìm nhà đầu tư. Song, câu chuyện của anh đã bị “đập” ngay từ khi họp báo ra mắt dự án. Đến khi thành phẩm, bộ phim Cảm hứng hoàn hảo đã hứng trọn búa rìu dư luận vì cách thể hiện của đạo diễn trở nên phản cảm đối với văn hóa Việt.
Không hợp văn hóa là “chết”!
(Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Khán giả Việt Nam “khắt khe”, có thể tranh luận trái chiều, đúng hoặc sai về một bộ phim điện ảnh nhưng số đông hoàn toàn có lý do chính đáng khi đồng thuận lên tiếng về những gì phản cảm, phản văn hóa thể hiện trên phim. Cảm hứng hoàn hảo không phải là ngoại lệ. Trước đó, đã từng có những bộ phim của đạo diễn Việt kiều bị “chửi tơi bời” vì cách làm phim vụng về, không hiểu biết gì về văn hóa Việt nhưng đã “manh động”, đưa nhiều chi tiết vào theo cảm nhận chủ quan, góc nhìn lệch lạc. Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othello Khanh) hay 14 ngày phép (đạo diễn Vũ Trọng Khoa) là những “dấu tích” điển hình.
Dù là “thạc sĩ biên kịch” tốt nghiệp tại Mỹ hay đạo diễn được đào tạo tại cái nôi điện ảnh Hollywood đi nữa nhưng tác phẩm ra mắt tại quê nhà đi ngược lại với văn hóa truyền thống, gây phản cảm thì cũng sẽ bị khán giả trong nước tẩy chay.
Đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt từng bộc bạch trước khi về nước làm phim, anh đã tìm hiểu rất kỹ thị trường, biết điện ảnh Việt rất thiếu phim kinh dị nên đã chủ ý đầu tư cho thể loại này. Bộ phim Ngôi nhà trong hẻm của anh dù không phải là tác phẩm xuất sắc của thể loại này nhưng cũng góp được một gam màu riêng cho điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, với Bẫy cấp 3 thì Lê Văn Kiệt rơi vào tình trạng “phớt lờ văn hóa Việt”, đi theo vết xe đổ của những đạo diễn Việt kiều trước đó. Kết quả là phim bị cấm chiếu, vô tình đưa Lê Văn Kiệt trở thành một tên tuổi đạo diễn khiến công chúng “mất niềm tin”.
Điện ảnh Mỹ từng có những bộ phim kinh dị, bắn giết tàn bạo trong nhà trường với các nhân vật tuổi học trò, ra tay không cần lý do kiểu như Prom Night. Tuy nhiên, đó là phim của Mỹ! “Học hỏi cách làm phim của Mỹ nhưng có những thể loại không phù hợp ở Việt Nam. Chúng ta khi làm thì phải cân nhắc, dè chừng” - đạo diễn trẻ Đức Nguyễn, từng được đào tạo đạo diễn tại Mỹ vừa trở về Việt Nam chuẩn bị làm phim, cảnh tỉnh.
Không dễ tìm lối riêng
Màn ảnh rộng mỗi năm gần như đã trở thành “sân chơi cố định” của các đơn vị sản xuất có tiềm lực như Thiên Ngân, Megastar, BHD… với những tên tuổi đạo diễn nghe tên là đủ bảo đảm doanh thu, dù phim giải trí có bị cho là “xuống tay”. Tuy nhiên, với những đạo diễn trẻ, tìm nhà đầu tư hay tìm đường ra rạp cho phim đều khó. Chưa kể khi ra mắt, nếu phim bị báo chí, dư luận không ủng hộ thì xem như không chỉ trắng tay mà còn mất cả tên tuổi.
Đến giờ, nhiều người trong giới vẫn còn nhớ câu chuyện của đạo diễn trẻ Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn. Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ chuyên ngành phim tại Viện Cao học nghệ thuật California - Mỹ, năm 2005, anh về Việt Nam ấp ủ dự án phim 1735 km. Ngay sau đó, bộ phim này bị dư luân công kích, đến mức nhà sản xuất phải “sập tiệm”.
“Xét cho cùng, 1735 km không phải là một bộ phim quá tệ hay quá nhảm nhưng thời điểm đó có vẻ như công chúng vẫn chưa quen, chưa chấp nhận thể loại phim tình cảm nhẹ nhàng như thế” - nhà quay phim K’Linh nhận định. Thật vậy, sau này, khi 1735 km chiếu trong khuôn khổ Tuần lễ Phim Việt Nam được tổ chức tại BHD, cả người trong giới lẫn khán giả đã có dịp nhìn lại, so sánh và vẫn thấy rằng tác phẩm này còn “ổn hơn cả những phim hài nhảm bây giờ”.
Với những tên tuổi đạo diễn Việt kiều còn mới mẻ, trở về Việt Nam làm phim cũng giống một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro. Không có được những tác phẩm “chào sân” đình đám như Dòng máu anh hùng hay Áo lụa Hà Đông, họ chủ yếu tự vận động tài trợ làm phim.
Đạo diễn Cường Ngô từng đeo đuổi dự án phim ngắn Ngọc Viễn Đông, dù giới chuyên môn khen ngợi nhưng chỉ được các rạp xếp vào những suất chiếu khó có người xem nhất trong ngày. Phim Chạm của đạo diễn Đức Minh ra rạp cũng âm thầm lặng lẽ, giữa những cảm nhận trái chiều rời rạc của vài khán giả. Những cái tên đạo diễn Việt kiều khác như Ringo Lê (phim Chuyện tình Sài Gòn) hay Hoàng Thiên Trụ (Em hiền như ma- sơ) xuất hiện cũng chỉ một lần rồi mất hút.
Tới đây, hai đạo diễn Việt kiều Thiện Đỗ, Hàm Trần cũng sẽ trình làng 2 bộ phim Tiền chùa, Âm mưu và giày gót nhọn. Chưa nói trước được điều gì về 2 bộ phim được nhà sản xuất đầu tư nhiều và chuyên tâm quảng bá này. Tuy nhiên, có thể nói rằng những năm sau này, đạo diễn Việt kiều không còn là đội ngũ mang đến cho điện ảnh Việt những làn gió mới, sôi động với các bộ phim xứng tầm kỳ vọng như đã từng có.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6
Bình luận (0)