“Sách điện tử đang dần trở thành một trào lưu và sẽ phát triển tất yếu trong tương lai. Vấn đề là các đơn vị làm sách cần phải có cách làm như thế nào và bảo vệ bản quyền ra sao” – ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, nói.
Tự cứu
Nắm bắt nhu cầu đọc sách trên mạng của đông đảo độc giả, nhiều đơn vị làm sách cũng bắt đầu “chuyển hướng đầu tư” sách điện tử. Đây cũng là một cuộc “tuyên chiến” của những nhà làm sách chân chính với các ấn bản điện tử phát tán lậu. Nói như dịch giả Uông Xuân Vy là không còn cách nào khác bảo vệ giá trị tác phẩm, Công ty TGM đã quyết định cho “số hóa” cuốn Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! ngay thời điểm năm 2007 để cộng đồng mạng có thể tìm đọc được bản sách tốt hơn.
tác giả của cuốn Sợi xích (bị đình bản) đã tung những hình ảnh đầy “liêu trai”
với tên gọi Yêu nữ tỳ bà để quảng bá trên mạng. Ảnh: Internet
“Văn mạng” không phải “văng mạng”
Cùng với việc xuất bản phẩm được đăng tải tràn lan trên mạng thì sự phát triển của internet cũng tạo điều kiện cho văn chương mạng hình thành và phát triển. Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, nói rằng nhờ văn chương mạng mà nhiều đơn vị làm sách đã phát hiện được những cây bút nổi trội, từ đó tập hợp bản thảo in sách và cũng có những tác phẩm từ văn chương mạng trở thành sách best-seller.
Từng có những nhà văn biết cách sử dụng mạng như một công cụ quảng bá tác phẩm, cũng như “thăm dò” độc giả bằng cách đăng tải một số chương lên các trang web cá nhân trước khi in sách. Chẳng hạn, nhà văn Di Li với tác phẩm Trại hoa đỏ, cây bút trẻ Trần Thu Trang lập hẳn website riêng để kinh doanh “sách của Trang” hay cây bút đình đám Joe Ruelle đã có 2 cuốn sách best-seller nhờ những bài viết đăng trên mạng…
Tuy nhiên, nếu như văn học mạng của nhiều nước trên thế giới có thể xây dựng được tên tuổi bền vững cho các nhà văn thì có vẻ các cây bút bước ra từ “văn mạng” Việt vẫn chưa thật sự được chấp nhận đúng vai trò trong dòng chảy chung của văn học trong nước.
Thời buổi “nhà nhà viết văn, người người viết văn”, không ít cây bút tự xem mình là “sao online”, tự phong danh hiệu nhà văn và có quyền phán xét hoặc sa đà vào những cuộc bút chiến trên mạng không theo chiều hướng tích cực. Đời sống văn học mạng cũng vì thế mà trở nên tả pín lù, lẫn lộn vàng - thau. Đây là điều cần đến vai trò của quản lý Nhà nước.
Cần điều chỉnh luật
Theo tầm nhìn của nhiều nhà làm sách, sách điện tử sẽ “bùng phát” trong một thời gian không xa, cả nhu cầu từ người tiêu dùng lẫn nhà kinh doanh sản phẩm. Thế nhưng, quy định về xuất bản phẩm điện tử trong điều 24 Luật Xuất bản sửa đổi còn quá chung chung. “Luật Xuất bản không thể né tránh hoặc chỉ đưa vào những nội dung chung chung, không bắt kịp với đời sống thực tế. Mặt khác, sẽ tạo ra những kẽ hở trong quản lý và ngoài tầm kiểm soát loại hình xuất bản này” – PGS - TS Lương Ngọc Toản nhận xét.
Bà Đặng Thị Phượng (Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khóa XI) cũng cho rằng trong Luật Xuất bản hiện hành, những quy định về xuất bản phẩm điện tử (trên internet, máy tính bảng, điện thoại di động, máy đọc sách điện tử…) không được cụ thể, cũng không có quy định rõ ràng nào trong các văn bản dưới luật về các biện pháp xử lý đối với tình trạng vi phạm bản quyền sách trên internet.
Nâng tầm quản lý Chỉ ra những khoảng trống pháp lý cần phải được điều chỉnh bằng luật và cần thêm những văn bản dưới luật để quản lý xuất bản phẩm, PGS - TS Lương Ngọc Toản cũng mở rộng góc nhìn: “Xuất bản phẩm điện tử hiện nay đang phát triển sôi động trên thế giới và đang phát triển nhiều hình thái mới mà chúng ta chưa dự báo nổi. Cho nên, chúng ta cũng rất cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia về công nghệ thông tin để nghiên cứu những điều cần quy định trong Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới”. |
Bình luận (0)