Sự đổ bộ của hàng loạt chương trình truyền hình giải trí nước ngoài được Việt hóa trên các kênh truyền hình Việt Nam năm nay càng làm cho loại hình giải trí trên màn ảnh nhỏ này thêm phần sôi động trong cuộc đua giành khán giả. Thậm chí, chính những chương trình này cũng rút bớt một lượng khán giả không nhỏ của các rạp chiếu phim, phim truyền hình, sân khấu kịch... vào những tối cuối tuần. Nhiều ca sĩ tổ chức đêm nhạc riêng cũng luôn ý thức “né” The voice, Vietnam Idol. Điều đó phần nào khẳng định sự lớn mạnh và sức hút không ngừng của các chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí cao thời gian gần đây.
Cạnh tranh khốc liệt
Tìm kiếm tài năng- Vietnam Got Talent được ghi nhận là chương trình truyền hình thành công trong năm 2012. Ảnh:HUYỀN THƯƠNG
Đó chính là lý do các chương trình truyền hình giải trí hiện nay đều chủ động tuyển sinh khắp cả nước, thậm chí đi vận động thí sinh từ các trường nghệ thuật, lò đào tạo tài năng...
Trong đó, cặp đối thủ nặng ký hiện nay trên sóng truyền hình chính là The voice - Giọng hát Việt và Vietnam Idol 2012. Giống nhau về mục tiêu tìm kiếm giọng ca được số đông khán giả yêu thích nên dù cách thức tuyển chọn thí sinh có khác nhau, Cả 2 chương trình đều được đặt cạnh nhau trong sự so sánh của công chúng.
Nếu ở Vietnam Idol 2012, sức hấp dẫn tăng lên theo từng vòng thi bởi sự trau chuốt trong dàn dựng chương trình và cách huấn luyện thí sinh của ê kíp sản xuất thì The Voice - Giọng hát Việt lại đi một chiến thuật ngược lại hoàn toàn. Khán giả choáng ngợp với các giọng ca của Giọng hát Việt ngay từ vòng thi đầu tiên (Audition - Giấu mặt). Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi không ít thí sinh là những giọng ca quen mặt với nhiều kinh nghiệm biểu diễn hay ít nhất biết chọn cho mình một “bài tủ” để ra mắt đủ chinh phục người trong giới và làm khán giả choáng ngợp. Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt và hệ quả là khi chiêu “độc” đã tung từ đầu thì càng về sau, ấn tượng của công chúng về chương trình cũng sẽ giảm dần. Thực tế, đây chính là hạn chế lớn nhất của không chỉ Giọng hát Việt mà còn cả bản gốc The Voice Mỹ.
Sự giúp đỡ của huấn luyện viên gần như không đem lại nhiều hiệu quả (ngoài việc tuốt lại sắc vóc) bởi chất giọng thí sinh là thứ có giới hạn và nó không thể cải thiện hoàn toàn trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, với công chúng, dù khen hay chê, 2 cuộc thi này vẫn được quan tâm, theo dõi bởi tâm lý chung là xem người chiến thắng có xứng đáng hay không.
Trong khi đó, ở những cuộc thi khác, dù giành được vị thế độc quyền do nội dung tranh tài khá riêng biệt như thi về nhảy, tìm kiếm tài năng hay người mẫu..., thực tế không có nhiều khán giả bằng những cuộc thi hát và vì vậy, dư âm cũng chóng tàn.
Chương trình xã hội giảm nhiệt
Không ồn ào, náo nhiệt như chương trình truyền hình giải trí, những chương trình mang ý nghĩa xã hội vẫn bền bỉ với hành trình của mình: Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Chuyến xe từ thiện, Lục lạc vàng,… Trong đó, chương trình Lục lạc vàng đang có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.
Dù các chương trình này đều mang ý nghĩa cao đẹp nhưng cách xây dựng cứ đi một lối mòn cũ kỹ, thiếu yếu tố hấp dẫn, nhất là những chương trình đã có thâm niên lên sóng như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước nên có phần giảm bớt sức hút. Tuy vậy, một bộ phận công chúng vẫn dõi theo những chương trình này không vì mục đích giải trí mà mang ý nghĩa chia sẻ.
Chương trình truyền hình tiêu biểu trong năm The Voice - Gọng hát Việt (VTV3), Vietnam Idol 2012 (VTV3), Vietnam’s got talent (VTV3), Bước nhảy hoàn vũ 2012 (VTV3), Cặp đôi hoàn hảo (VTV3), Cuộc đua kỳ thú (VTV3), Hợp ca tranh tài (VTV3), Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance (HTV7), Vietnam’s next top model 2012 (VTV3), Tôi là người dẫn đầu (HTV7), Thay lời muốn nói (HTV), Vượt lên chính mình (HTV), Ngôi nhà mơ ước (HTV), Lục lạc vàng (VTV1). |
Bình luận (0)