"Bờ rào đá" quen thuộc ở "nhà Pao"
Bộ phim Chuyện của Pao (được chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy) với những giải thưởng danh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh hiếm hoi khai thác đề tài về đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đạo diễn Ngô Quang Hải đã tìm thấy một ngôi nhà của chính người dân tộc Mông đẹp như một tuyệt tác cổ xưa nằm giữa thiên nhiên hùng vĩ thuộc xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Ngôi nhà trên cao nguyên đá đã trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi được chọn làm bối cảnh phim
Hai bên lối đi là đồng hoa dại - hình ảnh này đã từng xuất hiện trên phim qua những góc máy dài
Đã hơn nửa thập kỷ kể từ khi những thước phim đẹp đến nao lòng và câu chuyện về Pao (diễn viên Đỗ Hải yến đóng), về Kía (NSND Như Quỳnh) làm lay động trái tim khán giả thì bối cảnh phim – hiện là nơi cư ngụ của một gia đình người Mông "tứ đại đồng đường" – vẫn gần như giữ nguyên nét đẹp cổ kính, quyến rũ bằng chính nét đẹp huyền bí cùng với không gian mênh mông, kỳ vĩ của núi rừng.
Cổng nhà Pao vẫn còn nguyên nét đẹp cổ xưa
Khung dệt vải lanh trong sân nhà
Lối đi dẫn vào nhà Pao băng qua đồng hoa dại đầy thơ mộng – nơi ống kính của nhà quay phim Cordelia Beresford đã từng lia một góc dài hình ảnh nhân vật em trai Pao lùa đàn dê về nhà trên phim. Những ngày cuối thu, vườn nhà Pao ngoài những bờ rào đá, cánh cổng gỗ quen thuộc trên phim còn có đồng hoa tam giác mạch trải đẹp như khu vườn cổ tích làm say lòng khách lạ.
Cụ già dân tộc Mông với nụ cười rất hiền và trìu mến dành cho du khách
Quyến rũ nhất là đồng hoa tam giác mạch...
... làm say lòng khách phương xa
Ở đây, người già gần như chỉ nói tiếng dân tộc còn trẻ con cũng chỉ biết chút ít tiếng Kinh đủ để hiểu du khách muốn chụp ảnh cùng hay cho quà, chia kẹo. Cuộc sống nơi này vẫn vẹn nguyên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc: đeo gùi lấy rau, lấy củi, địu con, dệt lanh… Hình ảnh hiền hòa, yên bình chịu thương chịu khó.
Dừng chân một chiều ở nơi nhân vật Pao, mẹ Kía đã từng sống, từng đau, nơi từng có tiếng đàn môi nhớ thương sau bờ rào đá của chàng trai tên Chữ, như thể đang được trở lại cùng với những thước phim lung linh cùng câu chuyện thấm đẫm giá trị nhân văn về tình yêu, tình người và cuộc sống của các nhân vật nơi hoang sơ. Nhớ cả những câu thơ se sắt vùng cao của cố nhà thơ Trần Hòa Bình:
“...Nước mắt người già mài trên má
Đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng
Bao bong bóng về trời
thương buồn gửi lại
Chỉ lặng chìm như đá
Chỉ bời bời như mây
Chúng ta sa mộc chiều nay…”
Đường về nhà Pao lãng đãng trong sương núi...
...qua những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ...
... và ngày lúa ươm vàng trên cao nguyên
Bình luận (0)