xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thanh Thủy: “Tôi từng mê Lê Hoàng!”

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO) - Khách mời của Cà phê với sao lần này là nữ nghệ sĩ Thanh Thủy. Bên ly cà phê sữa đá, chị tâm sự về nghề, về cuộc sống của một người phụ nữ trót mang nghiệp cầm ca.

*Phóng viên: Lần nào gọi điện cũng nghe chị đang ở Vũng Tàu, chắc có dự án phim cần bối cảnh phố biển?
      
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Mấy tháng nay tôi bận rộn chuyện xây khách sạn ở bãi sau thành phố Vũng Tàu. Bây giờ phải cố tạo hậu phương vững chắc để nghề tay trái lo cho nghề tay phải. Tôi còn định xây một sân khấu nhỏ trên tầng thượng khách sạn để tổ chức diễn kịch, hài cuối tuần.
                                                    
*Như vậy, nghệ sĩ Thanh Thủy đã có một cơ ngơi khá vững sau 20 năm làm “kiếp tằm nhả tơ”?
 
- Vốn liếng của gia đình nữa vì thật ra tôi diễn không nhiều, đóng phim truyền hình ít và làm đạo diễn thì cũng không khá nổi do kén phim. Với tôi, 20 năm qua điều tâm đắc nhất là có được những bài học đối nhân xử thế từ nghề nghiệp của mình.
 
img
NS Thanh Thủy (ảnh Thanh Hiệp)
 Biết dừng đúng lúc!
 
*Nghe chị nói, dường như chị gặp rất nhiều trắc trở suốt những năm hành nghề?

- Tổ nghiệp đã ưu ái tôi nhiều dù thời đó ra trường tôi từng phải cùng Mỹ Dung, Phùng Nguyên mở cửa hàng bán quần áo trên đường Cống Quỳnh để mưu sinh. Tiệm đóng cửa, tôi về quê ở ẩn gần 3 năm. Đến khi nghệ sĩ Minh Phượng từ Mỹ về nước làm chương trình ca nhạc hài kịch “Việt Nam thương nhớ”, tôi nhận lời xuất hiện lại. Doanh thu chương trình thắng lớn, khán giả cổ vũ nồng nhiệt, tôi mừng lắm nhưng vẫn không dám nhìn đến cuốn kịch bản. Tôi tốt nghiệp đạo diễn nên thèm được dàn dựng nhưng làm gì có cơ hội.
 
*Nhưng đến bao giờ chị mới nhận ra niềm khao khát được diễn trên sân khấu và quyết tâm bám trụ đến cùng?

- Đến khi chị Thu Hồng (hiện nay là biên tập viên Ban văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM) đưa tôi về làm vở Trở về mái nhà xưa. Vở này diễn tại Nhà hát kịch - sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, tôi đóng vai Lê Na, bạn gái của một nhân vật mà Quốc Thảo đóng. Trong vở diễn có đoạn Lê Na nói về quá khứ của mình, nỗi khao khát được quay lại mái nhà xưa, lúc đó tôi khóc đến không nói rõ câu thoại.
 
Suất nào cũng vậy, tôi và nhân vật như hòa làm một với khao khát thực hiện ước mơ nhưng đôi chân còn rụt rè, nhút nhát. Rồi tôi lao vào diễn, dựng, làm việc tích cực và tự hào vì mình bảo vệ được sáng tạo của mình. Tôi trở nên tự tin trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp.
 
img
NS Thanh Thủy trong vai Thần Phi Nguyễn Thị Anh (vai diễn được trao giải Mai Vàng 2007)
          
*Sau 20 năm, Thanh Thủy có gì khác so với thuở mới vào nghề? 

- Thanh Thủy của hôm nay và 20 năm trước vẫn thế, vẫn đủ mẫn cảm để khóc, cười. Có lẽ, điều khác duy nhất là tôi biết dừng đúng lúc trước những dấu hiện rạn nứt trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Tôi tự hỏi vì sao làm hài lòng nhau trong hậu trường lại khó hơn là làm vừa lòng khán giả? Dù sao thì tôi rất hài lòng với chính mình khi được đón nhận quá nhiều hạnh phúc của nghề, trong đó có 3 lần đoạt Giải Mai Vàng mà bạn đọc báo Người Lao Động đã dành cho tôi.
 
Về nhà, tôi không là nghệ sĩ      
     
*Trong suốt đoạn đường nghệ thuật đã qua, chị cũng từng vướng phải nhiều lời đồn thổi tình ái ?

-Bạn đang nói đến nghệ sĩ Khánh Hoàng? Thật ra, tôi và anh ấy chỉ là đôi uyên ương trên sân khấu thôi. Anh Khánh Hoàng, anh Thành Hội là những người giỏi nghề, chỉ nghĩ được làm việc với hai anh là đã quý, đâu dám nghĩ đến chuyện yêu. Nhưng hồi đó tôi mê đạo diễn Lê Hoàng lắm. Thú thật tôi say mê những kịch bản, bài báo anh viết. Còn anh thì mới đây trên tờ Văn Hóa thú nhận rằng hồi đó anh yêu tôi, yêu cái chân chất, thật thà. Cảm giác giữa yêu và mê khác nhau, tôi thì mê nghề của anh ấy.
 
img
NS Thanh Thủy và NSƯT Đức Thịnh trong vở Nhân danh công lý (Kịch Phú Nhuận)
 
*Vậy khi gặp anh Tráng-ông xã của chị ngày nay, chị thấy yêu hay mê?

- Năm 1991 tôi đi nghe nhạc cổ điển tại Nhạc Viện TPHCM, đó là đêm hòa nhạc do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn. Một người bạn giới thiệu tôi cùng anh Tráng, sau đó chúng tôi quen nhau rồi tiến đến hôn nhân vào năm 1993. Lúc đã là vợ chồng, tôi mở băng video quay lại vở kịch mình đóng, anh ấy cười: “Hồi đó anh có coi vở này, nhưng không có ấn tượng gì về em cả. Ai ngờ lại là ông xã của em!”. Tôi ngơ ngác nhìn anh, yêu và mê đúng là khác nhau. Anh ấy yêu tôi là tình yêu lứa đôi chứ không mê hào quang của một nghệ sĩ.
 
*Khi chấp nhận làm vợ anh ấy, chị có biết ông xã tương lai đã từng có vợ, con?

- Biết, anh ấy không giấu. Và tôi vẫn chung sống yên lành với hai con trai của anh ấy. Tôi không bao giờ phân biệt con chung, con riêng mà đối xử công bằng với tất cả. Về tới nhà tôi không là nghệ sĩ mà là người vợ, người mẹ.
 
img
NS Thanh Thủy trong vai Điêu Thuyền trên sân khấu cải lương (ảnh Thanh Hiệp)
 
*Hai con gái chị có mê nghề giống mẹ không?

- Cả hai thích xem mẹ diễn và chưa biểu lộ thích làm nghệ sĩ. Nhật Thanh năm nay học lớp 12, có năng khiếu về hội họa và thích học Đại học Kiến Trúc. Giang Thanh thì lung tung lắm, mỗi thứ đều thích một chút. Tôi mong con sẽ chọn nghề hợp với năng lực từng đứa.
 
*Chị có hối tiếc điều gì trong sự nghiệp nghệ thuật của mình?

- Những điều hối tiếc thường không do mình mang tới. Hồi đó nghề diễn viên chúng tôi không có nhiều điều kiện như bây giờ, có được vai diễn khó lắm. Làm gì có quyền được chọn lựa như ngày nay. Nhưng đó cũng là cái may vì nếu điều kiện tốt chắc gì chúng tôi có cơ hội để học tập nhiều. Ngày nay thì khác, có quá nhiều sô, nên nghệ sĩ phải chạy liên tục, cơ hội học tập thì hiếm dần đi.
 
Vẫn đang học nghề!

*Những vai diễn gần đây trên sân khấu Nụ cười mới chị làm khán giả cười nghiêng ngả bên cạnh Hoài Linh, Chí Tài. Phải chăng chị muốn đổi chất?
          
- Tôi vẫn diễn hài đều đó chứ. Tôi lao vào tất cả các tính cách, nhất là tìm cơ hội để diễn đa dạng, quyền biến trong nghề. Đó là cách học. Đổi chất cũng là cách học để người diễn viên tiếp cận những cung bậc cảm xúc khác nhau trên sân khấu. Trong tiếng cười có sự sâu lắng. Hoài Linh, Chí Tài thích diễn hài có pha một chút bi. Vở Tình cha là một ví dụ. Chúng tôi diễn và khóc rất nhiều khi nhân vật người cha vì đau lòng trước cảnh mấy đứa con tranh giành tài sản đã chết ở cuối vở.
 
img
NS Thanh Thủy và Minh Nhí trong chương trình "danh hài đại náo" tại sân khấu Trống Đồng
 
*Không chỉ ở kịch mà người ta còn thấy chị xuất hiện nhiều trong phim truyền hình rồi cả sân khấu cải lương?          
            
- Tất cả chỉ nhằm mục đích học mà thôi. Kịch là sở trường của tôi còn tham gia phim truyền hình tôi muốn trau dồi thêm kinh nghiệm diễn xuất. Tôi hiểu vì sao ngày nay một số phim kém chất lượng bị lên án, bởi cách làm, cách quản lý và quan điểm không rõ ràng. Tại sao nhiều phim, hãng phim, đạo diễn, công ty… dính chùm vào nhau với những khoản nợ không giải vây nổi. Là vì chạy theo số lượng.
                         
Còn sân khấu cải lương, đúng là ghé chơi đã đủ choáng ngợp. Bởi đến nay, các cô chú nghệ sĩ vẫn luôn là tấm gương sáng tôi ngưỡng mộ.
                  
*Theo chị, yếu tố nào để xác định một nghệ sĩ giỏi nghề khi chuyện học và hành đã không còn khắt khe như thế hệ trước?

- Chữ giỏi nghề hàm chứa nhiều yếu tố, quan trọng nhất là ngoại giao. Trong giới, nếu ai đó chắc lưỡi công nhận “cô này, anh này ngoại giao giỏi quá!”, nghĩa là anh đó, cô đó sẽ có cơ hội nổi tiếng. Vì nghề chưa chắc hơn ai, nhưng họ biết cách làm đẹp lòng người quyết định vai vế, lịch diễn. Thời kỳ khác nhau và sự cạnh tranh của thời tôi khác với ngày nay nhiều.
                    
Nhưng nói thế không phải ai giỏi ngoại giao cũng chắc chắn thành công. Nhiều người tự tin rằng chỉ cần sống bằng ngoại giao, thời sẽ đến với mình. Đúng nhưng không bền vững vì có thể lúc đó anh gặp thời và nổi tiếng trong phút chốc nhưng rồi lại dễ chìm vào quên lãng nếu không chứng minh thực tài.
                                                                            
Khó phân định được giữa học và hành ngày nay, nhưng tôi tin những ai quý trọng việc học sẽ có kết quả tốt.
 
img
NS Thanh Thủy và ca sĩ Phương Thanh
 
*Chị từng đi dạy học, vậy chị có nghĩ sẽ quay về với bục giảng để làm cô giáo?    
            
- Bạn bè tôi đi dạy rất nhiều, nay có người đã làm hiệu trưởng. Năm 23 tuổi khi tốt nghiệp tôi đã làm giáo viên phụ giảng khóa đào tạo diễn viên điện ảnh đầu tiên tại TPHCM cho thầy Nguyễn Văn Phúc và cô Kim Chi. Học trò của tôi thời đó gồm: Lý Hùng, Diễm Hương, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương… Tôi đi dạy được 4 năm. Tôi chưa nghĩ đến việc sẽ đi dạy nhưng đó cũng là hướng đi sắp tới khi mình đủ duyên để về lại với bục giảng.
 
Chỉ là nghệ sĩ bình thường!
 
*Viết nhật ký, lên facebook, thậm chí xuất bản hồi ký... có phải là chiến lược của Thanh Thủy?

- Không dám, tôi chú tâm vào kịch, tìm kịch bản hay ngày nay khó vô cùng. Tôi không viết nhật ký, nhưng những gì xảy ra với mình thì nhớ vanh vách. Còn facebook có lên đấy, để lắng nghe và điều chỉnh. Viết hồi ký thì không, vì tôi chỉ là một người nghệ sĩ bình thường, không có gì đáng cho người đời sau này học tập cả.
 
*Chị có sợ sẽ đối diện thất bại khi ai đó nói rằng chị ít có vai diễn hay?

- Tôi ít diễn vì không tìm thấy vai hay đó chứ. Còn thất bại đã từng đến, nay lại tìm về thì sợ gì mà không gặp. Có điều tôi sẽ đối diện với nó như thế nào khi mà tôi không cho phép mình thấp hơn nó.
 
img
NS Thanh Thủy giờ là bạn diễn ăn ý của danh hài Hoài Linh trên sân khấu Nụ cười mới
 
*Sang Mỹ biểu diễn hai lần, chị có nghĩ đó sẽ là thị phần biểu diễn của nghệ sĩ trong nước sắp tới?

- Có chứ, ở Texas khán giả kiều bào thích kịch lắm, họ cổ vũ tôi rất nhiều. Đạo diễn Nguyễn Quang, con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc đó đã dàn dựng chương trình rất độc đáo, xâu chuỗi các tiểu phẩm, dẫn dắt khán giả đi vào từng câu chuyện và tôi rất vui vì sự cổ vũ của kiều bào dành cho một nghệ sĩ trong nước sang.
 
Và sau chuyến đi của tôi, kịch dài bắt đầu rộ lên tại Mỹ khi một số nghệ sĩ trong nước sang diễn. Đó sẽ là thị phần đấy nhưng cách làm và tổ chức phải chuyên nghiệp, nhiều chuyến đi bị bể do chủ quan, kịch kém chất lượng và bị chi phối nhiều bởi các nhà tổ chức chỉ hướng tới lợi nhuận nhiều hơn vì thương hiệu của kịch.
                
*Bài học nhân nghĩa nào chị nhớ nhất trong cuộc đời của mình?

- Tôi ghi vào trong quyển sổ tay từ lúc còn học cấp 2: “Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm. Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người”. Sau này cha tôi dạy thêm khi phân tích những điều liên quan đến chữ Tâm: “Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui và Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá”.
 
img
NS Thanh Thủy và ca sĩ Đào Đức trong chương trình ca nhạc Nhan sắc Sài Gòn (Nhà hát Bến Thành)
 
*Còn với mẹ chị, điều gì chị sung sướng nhất khi nghĩ đến bà?

- Mẹ tôi thường dạy con không chỉ đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để chỉ yêu thương con cái, gia đình, mà còn phải biết đặt trên tay để giúp đỡ người khác. Biết đặt trên đôi mắt để nhìn thấy nổi khổ của nhiều người mà tha thứ khi họ có gây ra lỗi lầm. Và tôi đã học ở mẹ tôi để đặt thêm chữ tâm trên đôi chân để mau chạy đến với người cần sự giúp đỡ, đặt trên miệng để nói những lời an ủi, động viên.
 
Tôi không thích nói điều ác khiến đồng nghiệp buồn, đàn em bất mãn. Vì tôi biết đặt chữ tâm đó bên tai để nghe những lời than trách, góp ý của người khác. Điều mà tôi cố học, học mãi là để đặt chữ tâm lên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với mọi người.
 
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo