Chương trình Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ hai vừa kết thúc “mất lửa” cho thấy khả năng không thể đi xa hơn khi những gì chương trình này tạo dựng được trong mùa thứ nhất đã không còn ở lại trong mùa kế tiếp. Bước nhảy hoàn vũ 2013 chỉ còn vài đêm thi cuối là kết thúc nhưng đang rơi vào tình trạng khán giả không mấy quan tâm thí sinh nào sẽ chiến thắng như những mùa trước đó.
Thí sinh cạn kiệt
Đến hẹn lại lên, mỗi năm tổ chức một lần, lượng người dự thi mùa sau cao hơn mùa trước, xem những clip phóng sự hậu trường đều thấy mô tả như thế nhưng khi bước vào cuộc thi thố, khán giả mới hỡi ơi. Ở Bước nhảy hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo 2013, sự xuống sắc của thí sinh được xem là người nổi trong làng giải trí và ở nhiều lĩnh vực khác qua từng mùa là không thể che giấu.
Phan Đinh Tùng và Cát Phượng trong một tiết mục dự thi của Cặp đôi hoàn hảo 2013. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Để tìm ra “người chơi” ăn khách - phải đủ đôi - cho 2 chương trình này thực sự không dễ vì một số đòi hỏi đặc biệt của nó. Cho nên, thiếu bột thì không thể gột nên hồ. Nhìn vào dàn thí sinh, người xem có thể đo lường được sức hấp dẫn của gameshow đến đâu và quyết định thường xuyên theo dõi hoặc theo dõi bập bõm hoặc chẳng thèm xem! Cặp đôi hoàn hảo 2013 là một thí dụ. Dẫu có “phù thủy” chống lưng giúp dàn dựng choáng ngợp, dẫu có chiêu trò rần rần làm thiên hạ cười lăn cười bò, cái chính vẫn là hát. Một người hát chuyên nghiệp, một người hát… cho vui nhưng phải cùng đưa nhau lên bằng tiếng hát; còn những cái khác, nếu có, chỉ là gia vị mà thôi. Cảm nhận sau cùng của khán giả khi chương trình khép lại là: Xem tấu hài có minh họa bằng chút xíu bài hát hoặc xem một “vũ đoàn” nhảy múa như… kịch câm mà lại có minh họa bằng… lời! Bước nhảy hoàn vũ năm nay… kinh khủng hơn, có những thí sinh mà người xem… cầu nguyện cho họ chia tay cuộc thi càng sớm càng tốt, vừa đỡ rối đội hình vừa đỡ nguy hiểm cho thí sinh vì họ chẳng những thiếu khả năng “đen xì-pót” mà còn thiếu cả thể lực. Thực tế diễn ra cũng khá đúng. Đã vậy, mùa này còn tăng cường thêm phần thi nhảy marathon (xem đôi nào nhảy lâu hơn) và thi nhảy ba (trio dance) nhằm tăng kịch tính và mức độ thử thách nhưng dường như chỉ tăng thêm… mệt cho hai “phe”: Thí sinh và người xem! Vì nhảy… ghê quá!
Ai cũng làm được MC
Nổi bật trên sân chơi còn phải kể đến các “em-xi”. Đây cũng là một áp lực rất lớn đối với nhà tổ chức. Những MC (người dẫn chương trình) giỏi nghề cực hiếm. Phần lớn, nhà tổ chức dựa vào ca sĩ, diễn viên có chút tài ăn nói. Và “thảm họa” cũng phát sinh từ đây. Đa số MC này không rành ngữ pháp… tiếng Việt, cho nên họ thường nói cho khán giả nghe “chúc mừng bạn đã hoàn thành xong phần thi của mình”.
Ngọc Quyên (giữa) trong tiết mục dự thi chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2013. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Hoàn thành là đã xong rồi, còn “hoàn thành xong” cái gì nữa! Khi họ tỏ ra muốn bảo vệ thí sinh thì y như rằng có thái độ “nghinh chiến” với giám khảo hoặc thay vì mời giám khảo phát biểu thì họ làm… “anh Hai” của giám khảo bằng câu nói: “Tôi muốn nghe nhận xét của…”. Sự nghèo nàn về diễn đạt của MC “góp phần” làm chương trình dài lê thê và… buồn chán. Điều này bắt gặp với MC Đông Nhi ở chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2013, mỗi lần ống kính truyền hình chuyển vào hậu trường, cô luôn luôn nói: “Đây, hai anh chị đã đứng kế Đông Nhi rồi đây”, làm cứ như khán giả không nhìn thấy họ đang đứng cạnh nhau vậy! Cô cũng chẳng có nhiều từ để nói nên toàn xài “rất là”, “vô cùng”, chẳng hạn “ôi, anh chị biểu diễn rất là hấp dẫn, Đông Nhi ngưỡng mộ vô cùng”. Và cứ như thế cho đến hết cuộc thi! Không phủ nhận một thực tế là có chương trình khán giả thích xem cũng vì thích xem MC và ngược lại. Một số chương trình truyền hình thực tế gần đây đang có “thế hệ” MC ở vế sau !
Việc tràn ngập chương trình truyền hình thực tế, đa phần nghiêng về thi thố ca hát, nhảy múa, đã thế lại vẫn muốn mỗi năm tổ chức một lần nên chạy kiếm người không kịp thở. Biểu đồ hấp dẫn của truyền hình thực tế, vì vậy đang dần dần hướng… xuống. Bèo nhèo là phải!
Ngán tận cổ
Chẳng cần kiểm chứng đâu xa, cứ “sợt” vài diễn đàn mạng, một số trang tin tổng hợp là biết được ngay sự ngán ngẩm của người xem đã tăng lên mức độ nào. Nhiều “còm-men”, khi đọc xong, nhà đầu tư có thể… ngất! Rõ nhất là sự “lạnh nhạt” của nhiều đơn vị báo in, những phóng viên văn hóa nghệ thuật không còn mặn mòi với truyền hình thực tế nữa, số bài viết giảm hẳn, chỉ còn đưa tin lặt vặt về họp báo, về kết quả hoặc viết một mẩu be bé “cho có” về tình tiết nào đó hơi chút nổi bật của chương trình. Hồi đầu, lúc mới xuất hiện, quả thật rất hấp dẫn, khó mà rời mắt hoặc bấm nút chuyển kênh, ráng coi thêm “tiết mục” quảng cáo dài ngoẵng để bắt kịp phút “quay trở lại”, lỡ trễ một chút là tiếc hùi hụi. Thời oanh liệt đó của truyền hình thực tế dường như đã chóng qua. Cứ sau một mùa, chương trình lại thêm… xuống cấp; nét xinh tươi, thu hút lần lượt rơi rụng. |
Kỳ tới: Giám khảo xuống cấp
Bình luận (0)