icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ Trăng nơi đáy giếng đến Hãy khóc đi em

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai bàng bạc buồn như sương khói từng được đạo diễn Vinh Sơn đưa lên màn ảnh cùng tên qua cách kể bảng lảng, trầm lắng của anh và nay được đạo diễn Ái Như kể mới hơn qua vở kịch Hãy khóc đi em

Khi tiếng khóc uất nghẹn, dồn nén đau xót như bất tận của nhân vật Hạnh (nghệ sĩ Thanh Thủy đóng) vỡ òa trong khoảnh khắc chịu đựng cuối cùng của một trái tim đã kiệt cùng sức lực, vở diễn kết thúc thì cả khán đài cũng lặng đi trước nỗi đau của một con người. Nụ cười và nước mắt của khán giả như hòa lẫn vào nhau trên những tràng pháo tay dài dành tặng cho một vở diễn tràn đầy những cảm xúc đẹp đến thao thức, nghẹn ngào trong lòng người xem. 

Hơn nửa thập niên từ sau lần ra mắt đầu tiên vào năm 2004, vở kịch Hãy khóc đi em (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể từ truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai, đạo diễn: Ái Như, vừa chính thức công diễn trở lại tại Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, vào đêm 29-7) như vẫn vẹn nguyên sự rung động, thao thức về một thân phận, về tình yêu hy sinh đến tận cùng.

Tình yêu là sự hy sinh bất tận

Tình yêu của nhân vật Hạnh dành cho thầy Phương thì công chúng yêu nghệ thuật đều biết rõ, từ truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng bàng bạc buồn như sương khói đến tác phẩm điện ảnh cùng tên qua cách kể bảng lảng, trầm lắng của đạo diễn Vinh Sơn. Nhưng câu chuyện này đã được thể hiện khác hơn qua vở kịch Hãy khóc đi em.
img
Cảnh trong vở Hãy khóc đi em
Thầy Phương của Trăng nơi đáy giếng đã không còn sự đĩnh đạc của một hiệu trưởng mà trở thành một chủ nhiệm hợp tác xã đầy toan tính trong Hãy khóc đi em. Việc có con với người khác cũng không đơn thuần phải chấp thuận theo sự hy sinh van nài của Hạnh mà là một sự cố ý sắp đặt, từng bước đẩy Hạnh vào bi kịch, ân đoạn nghĩa tuyệt để được cả lợi, danh.
Hạnh làm tất cả những gì có thể để người chồng cô một mực yêu kính, tôn thờ được hạnh phúc, bình an nhưng chính Hạnh không ngờ rằng tất cả những điều đó chỉ là những rào cản khắc nghiệt đánh bật cô ra khỏi Phương. Hạnh không biết tình yêu và sự hy sinh vô điều kiện ấy lại biến cô thành một con cờ trong sự lợi dụng, lừa dối tàn nhẫn của chồng.
Vậy mà Hạnh vẫn tha thứ, vẫn yêu, vẫn vắt kiệt mình cho tình yêu như thể đó là lẽ sống. Nhưng điều duy nhất Hạnh có thể làm cho Phương và cũng là giải thoát cho chính mình là sự câm lặng đến ngơ ngác. Hạnh chối bỏ sự thật, chạy bời bời trong dông bão tâm can, hoang hoải tự đưa mình vào mộng mị, cố đi qua cái sự thật khốc liệt đủ sức hủy diệt, giết chết linh hồn mình.
Hạnh yêu chồng qua hình hài của người rơm, lặng lẽ trốn vào góc cửa chỉ để được nhìn thấy con chồng, chỉ để biết người Hạnh yêu đang hạnh phúc trong vòng tay người khác…
Hạnh không dám đối diện với sự thật rằng: “Ngôi nhà là của Phương, Phương là của Thắm, con chim là của bầu trời, người rơm là của cánh đồng” và không có cái gì là của Hạnh, cả thân xác cũng không còn là của Hạnh - một hình hài đã như chết rũ từ lúc không còn Phương… Tình yêu của Hạnh là một sự hy sinh bất tận, không gì có thể thay đổi được.

Sự lan tỏa của sáng tạo

Cùng với sự lan tỏa của truyện ngắn và tác phẩm điện ảnh, vở kịch Hãy khóc đi em với những sáng tạo riêng của người chuyển thể và đạo diễn đã đủ chứng tỏ được sức sống rất riêng.

Nếu như Hạnh của truyện ngắn bước qua bến mê với người chồng và đứa con thỉnh từ “cõi trên”, Hạnh của phim thêm một khúc chênh vênh lặng lẽ khi “tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta - nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ… Xa cách cuộc đời…”, sống nâng niu từng hạt nước mong manh như hạnh phúc, thì Hạnh trên sân khấu kịch đã tìm được một bến về an nhiên hơn.
Đạo diễn Ái Như đã chọn lọc những chi tiết rất đắt, gầy dựng thêm nhân vật, thậm chí thẳng tay thả những cay nghiệt, phũ phàng để lột tả đến tận cùng nỗi đau, đẩy một số phận đến bi kịch tưởng chừng không lối thoát. Rồi cuối cùng cũng chính đạo diễn đã cho nhân vật một bàn tay níu vào để được “sinh ra đời một kiếp nữa”.

Cuộc đời vẫn còn có tình yêu nối dài qua thăng trầm thời gian, đi qua sông cạn đá mòn. Sự xuất hiện của nhân vật Hướng (NSƯT Thành Hội) như một chiếc cầu bắc qua đau thương của Hạnh. Hướng - người bạn thanh mai trúc mã, tình yêu sắt son vẫn đi dọc cuộc đời - đã trở thành điểm tựa yêu thương của tình thâm cho Hạnh níu vào. Một kết thúc nhân hậu, sâu sắc đầy ý nghĩa đủ làm cho trái tim người xem dịu lại, sau một quãng dài đi cùng các nhân vật trong những cay đắng, xót xa.

Hạnh của truyện và phim chai mòn chịu đựng, ngơ ngác trăm năm. Nhưng Hạnh của sân khấu đã được khóc - dù chỉ một lần. Khóc để biết phải chấp nhận sự thật, phải gồng lên mà sống cho mình và đón nhận yêu thương xung quanh. Khóc một lần để dòng nước mắt bay trong trời, chỉ có như thế trái tim mới đủ kiên cường khép lại nỗi đau đã chạm vào tận cùng, mãi mãi…

Ngoài nghệ sĩ Thành Hội và Thanh Thủy, bản dựng mới vở Hãy khóc đi em có sự tham gia của đạo diễn Ái Như, diễn viên Hồng Ánh, Quang Thảo và Nguyễn Long.  Trở thành người vợ bé vô tâm, hời hợt, Hồng Ánh -  Hạnh của phim Trăng nơi đáy giếng  - đã thể hiện “đúng chất” của nhân vật Thắm. Đây cũng là một vai diễn để lại nhiều tiếng cười cho khán giả, cùng với sự tung hứng của đạo diễn Ái Như trong vai “bà Thu nhiều chuyện”.

Điều đáng tiếc nhất của vở kịch chính là có những cảnh “sáng tạo” đùa cợt kéo dài giữa Phương và Thắm, cũng như kiểu đùa hơi quá lố của nhân vật do diễn viên Nguyễn Long thể hiện. Dù những tiếng cười đó góp phần lột trần bộ mặt thật của Phương, bộc lộ rõ bản tính của một con người nhưng “sử dụng quá liều” vô tình có thể làm lạc dòng cảm xúc vở diễn.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo