“Chắc em chỉ đi đóng phim một thời gian ngắn nữa thôi, khi lấy được bằng đại học chuyên ngành sẽ tập trung vào chuyên môn. Làm việc với chính ngành nghề mình được đào tạo mới bền vững chứ đi đóng vai phụ hoài thì cũng không dễ có cơ hội trụ lại với nghề” - một gương mặt trẻ đã tham gia đóng các vai nhỏ cho hơn 10 phim truyền hình đã chia sẻ như vậy.
Được ít, mất nhiều

Diễn viên trẻ Amy - gương mặt hiếm hoi trưởng thành từ các khóa đào tạo diễn xuất ngắn hạn.
Trong ảnh: Amy trong vai Ân Khuyên trong phim Trở về. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhiều người trong nghề cũng xác nhận đó là “một góc sự thật, casting chỉ để quảng bá cho phim”. Đạo diễn trẻ Quách Khoa Nam - vừa có bộ phim đầu tay Vọng kim lang - cũng nói: “Nhắm sẵn vai diễn cho diễn viên vẫn an toàn hơn casting, có tổ chức thử vai cũng chỉ tìm các vai nhỏ, phụ”.
Không phải không có những khuôn mặt nhờ chăm chỉ đi tìm vai diễn, qua những lần casting đã có được cơ hội khẳng định mình trên màn ảnh nhỏ nhưng cũng “khó lường” khi nhu cầu tìm diễn viên đang thật giả lẫn lộn.
Đằng sau những giá trị đích thực của phim ảnh là những góc khuất. Nhiều người trong giới không lạ gì với chuyện diễn viên bỏ tiền ra mua vai diễn, o bế đạo diễn, đóng phim không nhận tiền cát sê hoặc làm những điều rồ dại hơn để có cơ hội lên phim. Mặt trái của hào quang là những cạm bẫy mà chính các bạn trẻ ôm mộng nổi tiếng tự đưa mình vào tròng.
Diễn viên bản lĩnh, cứng cỏi và nhận thức được giá trị của chính mình sẽ biết cách tránh xa những cám dỗ nhưng với nhiều người trẻ, chưa được ai biết mặt nhớ tên, ôm mộng làm diễn viên thì không phải người nào cũng có được những sự lựa chọn đúng đắn.
“Họ chẳng biết diễn gì cả”
Những năm qua, nhiều công ty sản xuất phim cũng đã mở những khóa đào tạo ngắn hạn để tạo nguồn nhân lực cho chính đơn vị mình. Theo đại diện một số đơn vị sản xuất, học viên từ các lớp đào tạo ngắn hạn cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu diễn viên cho đơn vị. Tuy nhiên, hầu hết cũng chỉ đóng góp vào những vai quần chúng hoặc xa hơn là các vai nhỏ, ít thoại. Số người được chọn để đóng những vai quan trọng, có đất diễn để tạo dấu ấn chiếm tỉ lệ rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay trong tổng số hàng trăm học viên đăng ký học mỗi năm.
“Thật sự mà nói rất khó tin vào khả năng của các diễn viên không chuyên. Ngay cả khi cần một vai nhỏ thôi, tôi cũng muốn tìm một gương mặt đã quen diễn xuất, chấp nhận lo kinh phí di chuyển cho họ và cũng lo luôn phục trang để nhân vật trên phim có được sự chân thật cần thiết. Nhiều khi chỉ cần một vài khoảnh khắc diễn viên gượng gạo thôi cũng đủ khiến khán giả thấy phim không thật” – đạo diễn Nam Yên nói. Một đạo diễn khác cũng nói có khi trung tâm đào tạo đưa đến hàng chục diễn viên nhưng “họ chẳng biết diễn gì cả khiến đoàn phim cũng rất cực, phải quay đi quay lại”.
Tham gia cho vui Sự phát triển của phim truyền hình đã tạo thêm cơ hội cho các gương mặt trẻ đến với loại hình này. Điều này một mặt mang đến ý nghĩa tích cực: Tạo ra một làn sóng tươi mới, trẻ trung khi những gương mặt trẻ có thể làm nên sức sống của riêng họ trong các vai diễn. Nhưng hệ lụy là những hào quang trước mắt cũng đã khiến không ít người trẻ cứ cắm đầu lao vào mà không nhận thức được đường đi của chính mình một cách rõ ràng. Ở các khóa đào tạo, các bạn cũng được học theo chương trình rút gọn: kiến thức điện ảnh, kỹ thuật biểu diễn, diễn xuất trước ống kính, tiếng nói sân khấu, thực tập tại đoàn phim… và nhất là được mở lối cơ hội tiếp cận với phim trường, đạo diễn, nhà sản xuất. Nhưng theo nhìn nhận của nhiều người trong nghề, “đóng phim cho vui thì được, còn mang niềm tin gầy dựng sự nghiệp, ôm mộng thành sao từ những khóa học không chính quy như vậy cũng rất khó bền vững”.
Kỳ tới: Đường dài, phải có tài!
Bình luận (0)