xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vở Vua thánh triều Lê: Hơn một lời tạ lỗi!

CÁT VŨ

Những bài học “chăn dân” của Ức Trai tiên sinh là những điều gửi gắm tâm huyết của vở diễn đến người hôm nay, còn mang giá trị mạnh hơn một “lời tạ lỗi” về cái án tru di tam tộc!

Cho đến nay, Vua thánh triều Lê mới công diễn đến suất thứ 7 trong chặng đường hướng tới đêm kết thúc vào tối 2-9 nhưng cũng đã mang lại nhiều tín hiệu vui.

Thỏa mãn phần nghe hơn nhìn

Thật ra, Vua thánh triều Lê là một kịch bản không dễ dựng bởi toàn bộ tâm ý của tác giả đều dồn hết vào lời thoại. Đành rằng ngôn ngữ của kịch là thoại và xung đột của kịch cũng ở thoại nhưng một vở diễn lịch sử bao giờ cũng được chờ đợi như một sản phẩm sân khấu nhiều màu sắc trong dàn dựng, éo le trong tình cảm và ly kỳ trong tình tiết.
Ở đây, những người làm vở đã tạo được cho sàn diễn một không gian lung linh với trang phục, cảnh trí mang sắc màu hoàng triều uy nghi, lại được đặt trên một nền nhạc hàn lâm sang trọng (nhạc sĩ Trần Vương Thạch đảm trách), song lại thiếu mất sự hấp dẫn một câu chuyện tình diễm lệ hoặc sự gay cấn ở những xung đột mang tính sống còn.
Sự đối đầu có chất hành động giữa vua và quốc công, giữa hoàng thái hậu và các quan trong triều xem ra chưa cân xứng giữa hai thế lực bởi “chiếc ngai vàng - đỉnh cao quyền lực” ở đây thực ra không có đối thủ. Cho dù khởi đầu bằng cảnh hung hăng đốt Bình Ngô đại cáo trước mặt vua Lê Thánh Tông nhưng chỉ một phán quyết của vua hoặc một lệnh bắt giam của hoàng hậu là bốn bề lại yên ổn.
img
Một cảnh trong vở Vua thánh triều Lê. Ảnh: THANH HIỆP
Cảnh vua đòi uống thuốc độc tự tử chẳng qua là một thủ thuật để thử thách lòng trung quân của quốc công hơn là do tình huống buộc phải đẩy vua đến bi kịch. Xung đột ở đây, bởi vậy, là trong nhận thức, giữa “vương đạo lấy dân làm gốc” và “bá đạo xây quyền chức làm nền”, giữa sự dối trá và lòng trung thực. Mà đã là nhận thức thì chỉ một câu hỏi của vua, “oan” hay “không oan” là xung đột lập tức được giải quyết.

Ngoại trừ những màn xuất hiện đông người trong những màn múa hoặc tạo cao trào, Vua thánh triều Lê vì thế là một vở kịch thỏa mãn phần nghe hơn là phần nhìn, phần cảm. Những bài học “chăn dân” của Ức Trai tiên sinh được vang lên từ dàn đồng ca suốt vở dành cho những vị vua khi xưa, được hiểu như là những điều gửi gắm tâm huyết của tác giả và những người làm vở cho thế hệ “trị quốc” hôm nay, còn mang giá trị mạnh hơn một “lời tạ lỗi” về cái án tru di tam tộc!

Khóc với khán giả

Phải công nhận rằng việc đưa vở bi kịch Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả: Huỳnh Hữu Đản, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) từ sàn diễn hẹp ở IDECAF ra sân khấu lớn Nhà hát Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 - TPHCM) nhằm bắc cầu cho sự xuất hiện đầy trăn trở của Vua thánh triều Lê (tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh) là một quyết định táo bạo nhưng không hề liều lĩnh của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Ban Giám đốc Công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương.

Suốt 2 tuần, Bí mật vườn Lệ Chi, dù được ra đời cách đây hơn 10 năm, vẫn “điều” được khán giả đến kín khán phòng, khơi dậy trong họ những cảm xúc mãnh liệt về cái tâm, cái trí, cái oan của một đại công thần, để rồi dìu họ bước tiếp vào câu chuyện giải oan nặng nhọc 20 năm sau với vở Vua thánh triều Lê.

NSƯT Hữu Châu, người từng đoạt Giải Mai Vàng với vai Nguyễn Trãi (vở Bí mật vườn Lệ Chi) và đang thủ diễn vai Nguyễn Lê quốc công (Vua thánh triều Lê), đã rơm rớm nước mắt kể rằng suất diễn nào anh cũng khóc, khóc cho nhân vật trên sàn diễn và khóc với khán giả ở sảnh nhà hát.
Nhân vật của anh - Nguyễn Lê quốc công - đã tức tưởi vì sau mấy chục năm làm quan chỉ “xây quyền chức làm nền”, nhờ sự “giác ngộ” mới được trở lại là một kẻ sĩ. Còn anh - một nghệ sĩ - đã không ngăn được dòng lệ trước tình cảm nồng nàn của khán giả; đồng loạt đứng dậy vỗ tay cho đến khi màn nhung hoàn toàn khép lại và kiên nhẫn chờ từng diễn viên ở sảnh để được chụp hình, được nắm tay chia sẻ.

Điều làm Hữu Châu mừng nhất là hầu hết họ đều là người trẻ và một trong những điều họ bày tỏ khiến trái tim anh thấy ấm áp là qua vở diễn, họ có dịp hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. Sợ “quốc công” đuối sức vì diễn toàn những đoạn cao trào, không ít khán giả đã dúi vào tay anh nào sữa, nào cam, lê, táo… Anh nói vậy nên, mình như con lân, hễ “pháo nổ” là… “múa” hết mình!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo