Trong ngành điện ảnh, dường như ai cũng nhìn thấy một nghịch lý, đó là điện ảnh quốc doanh ngày càng èo uột vì không có tiền làm phim, số lượng phim sản xuất ngày càng ít trong khi tài khoản của Cục Điện ảnh thì lại có một khoản tiền lớn.
Tiền để kho, phim chờ tiền
Hai năm qua, chỉ có vài kịch bản được duyệt để tiến hành sản xuất. Thậm chí có kịch bản được duyệt từ vài năm trước, đến nay vẫn chưa được khởi quay như Nếu anh còn được sống (kịch bản Việt Linh). Kịch bản phim Mùi cỏ cháy của biên kịch Hoàng Nhuận Cầm được duyệt cách nay hơn 4 năm, mới vừa đóng máy vì thiếu tiền.
Đạo diễn Hữu Mười chỉ đạo làm phim Mùi cỏ cháy. Ảnh do đoàn phim cung cấp
Ban đầu, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận làm phim này nhưng kinh phí không đủ nên dừng lại. Người tiếp theo dũng cảm nhận phim này là đạo diễn Hữu Mười. Anh đã phải cùng biên kịch chạy vạy khắp nơi để có tiền làm phim. Chưa hết, phim đã đóng máy quay nhưng đoàn làm phim vẫn chưa nhận đủ số tiền được duyệt chi, còn khoảng vài trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết suốt ba năm liền bà từng nhiều lần đề đạt lên Cục Điện ảnh xin cấp số tiền chỉ 500 triệu đồng cho đạo diễn trẻ Huỳnh Vĩnh Sơn làm phim hoạt hình nhưng chỉ nhận được sự khất lần khất lữa của ông cục trưởng Cục Điện ảnh, cho dù đây là kịch bản đã được duyệt và Huỳnh Vĩnh Sơn là người có tài, anh đã từng bỏ tiền túi để làm phim Thỏ và rùa giành được giải Bông Sen vàng cho phim hoạt hình.
Nghệ sĩ khó khăn, rã đám
Không có tiền làm phim, các hãng phim Nhà nước lâm vào cảnh lao đao, buộc nghệ sĩ, nhân viên trong ngành phải tìm mọi cách để kiếm sống. Đạo diễn Việt Nga, gương mặt kỳ cựu của Hãng phim Tài liệu Việt Nam, cho rằng giới nghệ sĩ điện ảnh rất ít người giàu. Chỉ vài người quần quật suốt ngày đi “làm thuê cuốc mướn, đánh đông dẹp bắc khắp nơi” mới có đồng ra đồng vào.
Toàn ngành gặp đầy khó khăn, nghệ sĩ thiếu tiền làm phim, đời sống không ổn định đành đi “đánh thuê” khắp trong Nam ra ngoài Bắc. Quay phim kỳ cựu Lý Thái Dũng cho biết mức lương của anh ở Hãng phim Truyện Việt Nam hiện nay cũng chỉ hơn 3 triệu đồng, lương trung bình của các nhân viên khác từ 2-3 triệu đồng, vì thế muốn sống được thì đương nhiên phải làm thêm.
Một lãnh đạo Hội Điện ảnh từng gắn bó nhiều năm với hãng phim chua xót: Để kiếm sống và có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên, Hãng phim Truyện Việt Nam đã phải cử người đi tứ tán khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm hợp đồng. Từng có một đội ngũ chuyên môn tay nghề cực giỏi mà đâu đâu nhìn vào cũng phải thèm, thì nay chỉ là những người đi “đánh thuê”, ai thuê gì cũng làm, từ phim truyền hình ngắn, dài tập đến video quảng cáo, đám cưới, đám ma... miễn là có tiền nuôi vợ con. Đội ngũ làm nghề cứ thế tan dần, niềm đam mê săn bắt nghệ thuật, mơ làm được những tác phẩm lớn cũng vì thế mà tan theo. Đang từ những người mang trong mình những khát vọng cao cả với điện ảnh, bỗng biến thành những cái máy chỉ biết lăn lóc kiếm tiền.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, người từng giữ chức phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng đừng trách họ, đừng đòi hỏi ở họ tại sao chúng tôi cần những tác phẩm lớn mà các anh không có? Sống, làm việc trong hoàn cảnh và điều kiện tan hoang, rã đám như thế ai còn lòng dạ nào để thai nghén những tác phẩm lớn?
“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”
Ngành điện ảnh giống như một cánh đồng khô hạn mà nước đã bị ngăn lại ở phía bên kia của con đập. Lãnh đạo ngành văn hóa luôn quan tâm đến ngành điện ảnh nhưng những người ở khâu trung chuyển, chính là những người làm công tác quản lý ở Cục Điện ảnh, đã không hết lòng vì ngành, cho nên nghệ sĩ mới khổ. Một đạo diễn cho rằng đáng lẽ lãnh đạo Cục Điện ảnh phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho ngành bằng cách trình bày với cấp trên nhằm tìm ra những biện pháp tối ưu để giữ vững đội ngũ, tìm ra những cơ chế thích hợp thúc đẩy sản xuất. Đằng này, lãnh đạo cục thay vì dành thời gian cho việc quản lý, lại lao vào làm phim. |
Bình luận (0)