Phối cảnh tổng thể công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được xây dựng tại Tam Kỳ - Quảng Nam
Việc xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại văn bản số 733/TTg-KGVX, ngày 16-5-2008 và được triển khai từ tháng 8-2008. Vào thời điểm đó, mức kinh phí được duyệt từ 55 tỉ đồng, rồi tăng lên 81 tỉ đồng. Việc điều chỉnh quy mô và thay đổi chất liệu của hạng mục xây lắp mỹ thuật làm tăng chi phí đầu tư lên thêm hơn 330 tỉ đồng.
Dự toán không sát thực tế
Theo giải thích của ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trong quá trình xét duyệt phác thảo, ý kiến của đa số thành viên Hội đồng Nghệ thuật đề nghị cần có một số điều chỉnh về kích thước để khối tượng chính và 8 trụ huyền thoại phù hợp với không gian công trình.
Do việc khai thác sa thạch với những khối lớn để làm nguyên liệu chế tác không bảo đảm khả năng cung cấp, đồng thời sa thạch dễ bị tác động của nắng mưa làm nứt vỡ nên Hội đồng Nghệ thuật công trình đã có kiến nghị điều chỉnh kích thước khối tượng, 8 trụ huyền thoại và thay đổi chất liệu chế tác từ sa thạch sang granit. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh phác thảo bước 2, lần 2 (phần mỹ thuật) công trình này.
Hạng mục thác nước tràn trước sân hành lễ theo ý tưởng của tác giả Đinh Gia Thắng trong phác thảo không được đầu tư theo mức kinh phí duyệt ban đầu, nay UBND tỉnh cho bổ sung, chấp thuận đổi chất liệu đá lát sân hành lễ, quảng trường, đường dẫn chính trước tượng là đá phiến (có độ bền kém) sang granit.
Tăng kinh phí do lập lại định mức hao phí vật tư, nhân công phần mỹ thuật vì việc lập và thẩm định dự toán trước đây không sát với thực tế, chỉ dựa vào một tượng đài nhỏ cao 3 m để lập định mức; trong quá trình thi công từ giai đoạn lắp dựng khung cốt thép chịu lực chính đến đúc mẫu thạch cao phần mỹ thuật đã có nhiều sai lệch so với định mức dự toán đã được duyệt; vì vậy, cần phải lập lại định mức cho các công tác thi công mỹ thuật.
Trong quá trình thi công tượng mẫu tỉ lệ 1/1 có rất nhiều thay đổi so với phác thảo ban đầu: Ngoài sự tăng kích thước tượng còn thay đổi lớn về độ lồi lõm của tượng dẫn đến tải trọng tác dụng lên khung móng cũng tăng lên nhiều. Do đó, phương án kết cấu móng thay đổi, sử dụng móng băng trên nền cọc bê tông cốt thép từ đó dẫn đến việc tăng kinh phí.
Ngoài ra, tăng kinh phí do tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (7 tỉ đồng), do biến động giá vật tư, nhân công là lớn nhất (định mức điều chỉnh mới lên hơn 141,4 tỉ đồng).
Quan trọng ở cái tâm, đức
“Đất nước còn nghèo mà xây tượng đài với kinh phí 410 tỉ đồng là quá phô trương, hoang phí. Chúng ta chỉ cần xây khoảng 10 tỉ đồng thôi, còn lại để phụng dưỡng các mẹ đang còn sống. Như vậy sẽ thiết thực hơn, mới đúng là đền ơn các mẹ...”. Đó là một trong rất nhiều ý kiến của bạn đọc góp ý cho những người có trách nhiệm thực hiện công trình này.
Nhiều bạn đọc cho rằng quan trọng ở cái tâm, đức của chúng ta đối với các mẹ nên “đề nghị các cấp lãnh đạo thực sự lắng nghe và nghiêm túc, mạnh dạn điều chỉnh tránh “chuyện đã rồi” khi chưa quá muộn. Nên dừng lại ở chi phí đã đầu tư làm mẫu (cũng không hề nhỏ). Xin sửa thành tượng đài giản dị, nhỏ thôi chắc sẽ được nhân dân hoan nghênh. Người dân xứ Quảng còn nghèo và vất vả lắm”.
Có bạn đọc đề nghị cách làm thiết thực hơn: “Nhà nước nên dành số tiền đó để xây trung tâm chăm sóc sức khỏe các mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, qua đó, các tổ chức cơ quan ban ngành mới có điều kiện để chung tay chăm sóc vì hiện nay các mẹ còn ở riêng lẻ, không có điều kiện để xã hội tập trung chăm sóc. Rất mong việc chăm sóc các mẹ trở thành thực tế hơn, nhanh chóng hơn vì cuộc sống của các mẹ không còn lại là bao”.
“Bất cứ bà mẹ nào không chỉ là mẹ Việt Nam anh hùng đều mong con cháu mình được đến trường, được nằm một mình một giường ở bệnh viện. Họ chỉ mơ ước như thế, không mong ai vinh danh mình trong khi con cháu họ đang sống thiếu thốn nhiều thứ!”, một bạn đọc chia sẻ suy nghĩ của mình.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đồng thời là công trình văn hóa có giá trị về lịch sử - kiến trúc - mỹ thuật và ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước sâu sắc.Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam |
Bình luận (0)