Không chỉ các văn nghệ sĩ, những người trong cuộc, mà nhiều nhà quản lý cũng cho rằng một số quy chế trong thông tư hướng dẫn xét tặng giải thưởng và các danh hiệu nghệ sĩ hiện hành không chỉ cứng nhắc, thiếu rõ ràng mà không còn phù hợp với thực tế hôm nay.
Bỏ lọt nhiều người xứng đáng
Ở lĩnh vực âm nhạc, nơi các nghệ sĩ được biết đến nhiều nhất và tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất, thời gian gần đây, nhạc sĩ Cát Vận đã phải thốt lên trước đông đảo báo giới: Việc xét giải bộc lộ quá nhiều nhược điểm, không ai trao giải như ở Việt Nam. Theo nhạc sĩ này, “những người tự trọng không ai làm như vậy!”.
Không chỉ nhạc sĩ Phạm Tuyên mà nhiều nghệ sĩ khác, như nhạc sĩ Hoàng Hà, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, nghệ sĩ Bùi Công Duy, ca sĩ Quang Lý, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Anh Thơ... cũng đều không có tên trong danh sách đề nghị xét giải năm nay. Lý do mà những người có trách nhiệm đưa ra thường không thuyết phục.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên không nộp hồ sơ; nhạc sĩ Hoàng Hà, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, nghệ sĩ Bùi Công Duy không có đủ số phiếu cần thiết. Ca sĩ Quang Lý không đủ huy chương; còn các ca sĩ trẻ Anh Thơ, Trọng Tấn không đủ thời gian cống hiến… Trong khi nhắc đến tên những nghệ sĩ này, ai cũng công nhận tài năng và sự cống hiến cho nghệ thuật của họ.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy bị loại khỏi danh sách đặc cách vì không đủ số phiếu bầu của hội đồng cơ sở. Ảnh: C.T.V
Thông tư 06 của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quy định. Ngoài tiêu chí giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế, phải có ít nhất 15 năm hoạt động nghệ thuật đối với NSƯT và 20 năm đối với NSND. Điều đó có nghĩa là họ phải phấn đấu nhiều năm nữa, tham dự nhiều liên hoan, hội diễn hơn nữa, các nghệ sĩ mới đủ thâm niên cũng như huy chương để nhận giải. GS-NSND Trung Kiên, nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, người được mời vào hội đồng xét giải cấp cơ sở trong lĩnh vực âm nhạc khi trao đổi với Báo Người Lao Động đã thẳng thắn: Danh hiệu phải được tôn vinh khi người ta còn sung sức chứ không phải đến khi già rồi mới trao cho họ. Chẳng hạn ca sĩ Trọng Tấn, ngay từ khi đi học đã đoạt nhiều giải thưởng, có nhiều cống hiến cho âm nhạc nên cần phải ghi nhận, động viên. Nghệ sĩ kỳ cựu này cũng cho rằng quy chế là một chuyện nhưng tài năng xuất sắc như Trọng Tấn, Bùi Công Duy… thì phải ghi nhận công lao đóng góp. Thời gian tới, cần phải đưa vấn đề đó ra và Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL cần phải có ý kiến.
728 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu nghệ sĩ đã được gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước. Tuy nhiên, những tranh luận xung quanh việc xét giải thời gian qua có thể sẽ khiến kế hoạch trao giải không diễn ra đúng vào dịp 2-9 như đã định. Hiện nay, việc xét duyệt của các hội đồng chuyên môn cấp Nhà nước chưa tiến hành. |
Không ít nghệ sĩ cũng thống nhất với quan điểm này và cho rằng nếu đã nhất nhất theo quy chế thì cần gì phải có hội đồng.
Vinh danh “nghệ sĩ công chức”!
Quy định cứng nhắc về số huy chương đã khiến nhiều nghệ sĩ tài năng bị loại khỏi danh sách xét giải nhưng với nhiều nghệ sĩ là lãnh đạo các trưởng, phó đoàn nghệ thuật địa phương thì cơ hội có giải thưởng luôn mở rộng. Trong danh sách NSƯT được xét giải năm nay có rất nhiều cái tên không chỉ khán giả mà ngay cả người trong nghề cũng cảm thấy xa lạ. Theo NSND Trung Kiên, nghệ sĩ nhất định phải là người làm nghệ thuật chứ không phải chỉ cống hiến cho đủ thời gian, đủ số huy chương ở các hội diễn, với những người này có thể xét tặng họ huy chương chứ không phải danh hiệu nghệ sĩ.
Đợt xét giải thưởng đầu tiên từ năm 1984 chỉ có trên 100 NSƯT, nhưng từ năm 1993 trở lại đây, con số này luôn gấp 3, thậm chí có đợt phong tặng tới gần 400 NSƯT. Điều này xem ra khá mâu thuẫn khi nền nghệ thuật Việt Nam đang được đánh giá là thiếu tài năng nổi trội. Vậy nên, tiêu chí huy chương, giải thưởng liệu có đặt nặng vấn đề thành tích hay không khi mà chất lượng các hội diễn, liên hoan không đồng đều, chưa kể tình trạng “mưa huy chương” chia đều cho các tỉnh?
Danh hiệu nghệ sĩ sao phải bầu chọn?
Một bất cập nữa là quy định người xét đặc cách phải có đủ 100% số phiếu của các thành viên trong hội đồng các cấp mới được công nhận. Ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, cho biết nghệ sĩ Bùi Công Duy tuy được xét đặc cách nhưng vẫn trượt danh hiệu NSƯT vì không đủ 100% phiếu bầu.
Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên, dù Hội Âm nhạc Hà Nội đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ VH-TT-DL xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông nhưng vẫn bị từ chối vì lý do cứng nhắc “công văn không phải là hồ sơ”. Nhiều nghệ sĩ bức xúc, đã là đặc cách thì không cần thiết phải bầu bán. Nhạc sĩ Văn Dung, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, thẳng thắn: “Tại sao xét giải cho nghệ sĩ lại phải có ý kiến bầu chọn?”.
Gây nhiều tranh cãi
Sự “cứng hóa” của thông tư trong việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Quy định “tác phẩm, cụm tác phẩm công trình, cụm công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình khác để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” bị nhiều chuyên gia cho là cứng nhắc, không phù hợp với đời sống văn học nghệ thuật.
PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học, cho rằng đó là quy định không hợp lý. Theo lẽ thông thường, các nghệ sĩ sẽ dành những tác phẩm nổi bật, có giá trị nhất của mình để xét tặng Giải thưởng Nhà nước chứ ít ai nghĩ phải để dành để ngày nào đó xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vả lại, khi đã nhận được Giải thưởng Nhà nước, các nghệ sĩ đều đã 50-60 tuổi, sau thời kỳ đỉnh cao ấy, họ khó có thể có thêm những tác phẩm để đời của mình.
Vì thế, xét tặng Giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh phải là việc ghi nhận và tôn vinh sự cống hiến của cả một đời người sáng tác.
Khi xét là phải xét cả quá trình phấn đấu, giai đoạn thăng hoa nhất của người nghệ sĩ có khi lại tính vào Giải thưởng Nhà nước rồi. Vậy thì vô hình trung Giải thưởng Hồ Chí Minh có khi lại thua cả Giải thưởng Nhà nước. |
Ý kiến bạn đọc
Tình cảm dành cho nhạc sĩ Phạm Tuyên
Sau bài báo “Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: “Quên” nhạc sĩ Phạm Tuyên”, đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 23-8, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến của mình
* Thật không thể hiểu nổi cái kiểu đánh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bác Phạm Tuyên, xin bác đừng buồn vì bác đã có danh hiệu trong lòng những người dân Việt Nam rồi.
Quang Chiến
* Một điều còn ý nghĩa hơn những giải thưởng, đó là tình yêu, lòng mến mộ, sự kính trọng và biết ơn mà triệu triệu trái tim yêu âm nhạc đã dành cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Phạm Thuyến
* Xin ngàn lần cảm ơn bác PhạmTuyên vì bác đã để lại cho thế hệ chúng cháu (mà có lẽ cho tất cả nhiều thế hệ người Việt Nam) những tình cảm về đất nước, con người Việt Nam - đặc biệt về Bác Hồ kính yêu - qua các ca khúc bất hủ. Cuộc đời bác đã “nhả tơ” nhiều rồi, tâm huyết và tình cảm của bác đã và đang sống mãi với thời gian. Thế là đủ, phải không bác?
Trần Trọng Bình
* Nếu bác Phạm Tuyên được Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này thì thật vinh dự nhưng thực tế có những điều không vui. Tuy nhiên, trong những điều không vui ấy lại thấy được đông đảo người yêu âm nhạc yêu quý bác, bác ạ. Cháu nghĩ đó là tình cảm của mọi người yêu âm nhạc chân thành dành cho bác. Điều đó không gì mua được. Nhiều thứ có thể mua được nhưng tấm lòng mà người hâm mộ dành cho một nhạc sĩ tài năng như bác thật lớn lao bác ạ.
Nguyễn Khắc Hiếu
* Ông Phạm Ngọc Khôi đưa ra những lời lẽ không đủ sức thuyết phục công chúng về trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Hãy xem lại những khuất tất của hội đồng cơ sở giải thưởng lần này?
Khuất Văn Chư
* Tôi vẫn nghĩ xét đặc cách có nghĩa là đương sự không thể thỏa mãn ít nhất một tiêu chí trong “bộ tiêu chí” để xét vì lý do bất khả kháng, nhưng ở đây nhạc sĩ Phạm Tuyên có nhiều công lao (nếu không muốn nói là rất lớn) trong lĩnh vực này. Những thành quả công trạng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là rõ ràng và không thể phủ nhận. Nhạc sĩ Phạm Tuyên quá, xứng đáng để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, sao lại phải xét đặc cách?
Muoiman
* Có thể công khai các thành viên xét giải thưởng và ý kiến của họ được không? Vì không công khai, chắc... sẽ thiếu minh bạch.
Quang Vinh
* Có lẽ Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phải có tiếng nói để sự việc được giải quyết. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhạc sĩ lớn của Việt Nam. Nếu chúng ta không kịp có những công nhận trân trọng ông thì không lẽ phải truy tặng sao?
Đối với một người nổi tiếng, đạo đức, tài năng như nhạc sĩ Phạm Tuyên mà còn vất vả như vậy thì quá là bất công... Xin những người có trách nhiệm xem lại... Diemphuc |
Bình luận (0)