"Trái tim sự sống" của Sao Diêm Vương chính là vùng đồng bằng băng giá rộng lớn, có hình trái tim gần như hoàn hảo trong các bức ảnh mà tàu New Horizons của NASA đã ghi lại từ năm 2015.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy cho thấy trái tim lạ lùng này đã được hình thành từ băng ni-tơ tích tụ sau một vụ va chạm lớn, chuyển động chậm.
Công trình được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Martin Jutzi từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ đã sử dụng một phương pháp mô phỏng gọi là thủy động lực học hạt mịn để kiểm tra các góc va chạm khác nhau và kích thước của vật va chạm vào khu vực gọi là Sputnik Planitia.
Sputnik Planitia là thùy phía Tây của cánh đồng băng giá hình trái tim, rộng khoảng 2.000 km2, thấp hơn khoảng 4 km so với khu vực xung quanh.
Các tác giả nhận thấy hình dạng này có thể bắt nguồn từ một vụ va chạm xiên, từ đó tạo nên hình dạng chiếc đuôi thon dài của một nửa trái tim.
Vật thể dội vào Sputnik Planitia trong quá khứ là một tảng đá băng giá có đường kính lên tới 730 km.
Do lõi băng giá của Sao Diêm Vương, vụ va chạm không làm tan chảy và hóa lỏng các phần của hành tinh lùn như điều vẫn xảy ra trong các vụ va chạm ở các thiên thể khác có khí hậu ấm áp hơn.
Vật thể băng giá bí ẩn đó có thể đã bị san phẳng và phần còn lại có thể đang ẩn đâu đó dưới lớp băng ni-tơ mịn.
Ngoài ra, mô phỏng này của nhóm từ Đại học Bern đem đến một tin khá buồn cho các nhà sinh học thiên văn, khi cho rằng bên dưới Sputnik Planitia có khả năng không tồn tại đại dương ngầm.
Trước đó, một số nhóm khoa học gia cho rằng một khối nước lỏng khổng lồ đã giữa cho trái tim ở vị trí gần xích đạo thay vì di chuyển dần lên phía cực trong quá trình tiến hóa của thiên thể.
Luồng ý kiến này cho rằng đại dương ngầm giúp cánh đồng băng này nặng hơn, giúp nó giữ được vị trí gần xích đạo. Nếu chỉ là băng, trái tim này sẽ quá nhẹ và dễ dàng "trôi".
Trong đó nổi bật nhất là công trình từ Đại học Hokkaido, Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Tokushima, Đại học Osaka, Đại học Kobe (Nhật Bản) và Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ).
Nhóm này cho rằng đại dương ngầm này còn có thể ở trạng thái lỏng vì tồn tại một lớp khí hydrat clathrate cách nhiệt giữa vỏ băng và đại dương. Do đó, họ tin rằng có khả năng sự sống tồn tại.
Tuy vậy, theo nhóm của Đại học Bern, lớp phủ nguyên thủy bị cày nát bởi va chạm thiên thạch của Sao Diêm Vương đã khiến trái tim đủ nặng để di chuyển về phía xích đạo mà không nhất thiết phải có đại dương dưới bề mặt.
Để có câu trả lời cuối cùng, cần đợi thêm các cơ quan vũ trụ quốc tế gửi thêm tàu vũ trụ đến Sao Diêm Vương.
Bình luận (0)