Theo Sci-News, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Rene Heller từ Viện Nghiên cứu hệ Mặt Trời Max Planck (Đức) đã tìm cách xác minh "kho báu" trong di sản của kính viễn vọng Kepler: Những thứ gì đó dường như là 2 mặt trăng khổng lồ.
Mặc dù đã chấm dứt sứ mệnh từ năm 2018, bộ dữ liệu từ chiến binh săn ngoại hành tinh Kepler của NASA vẫn không ngừng gây kinh ngạc khi các nhà khoa học khắp thế giới cùng nhau phân tích.
Phát hiện mới đến từ những gì mà Kepler thu thập được xung quanh hai hành tinh to như Sao Mộc mang tên Kepler-1625b và Kepler-1708b.
Một số nhóm nghiên cứu trước đây đã phát hiện và đo đạc cái mà họ tin là các mặt trăng của hai hành tinh này thông qua phương pháp tương tự lúc săn tìm các hành tinh quá cảnh.
Theo đó, các ngoại hành tinh và mặt trăng của chúng ở xa đến nỗi không thể nhìn trực tiếp.
Nhưng "đường cong ánh sáng" của ngôi sao mẹ, tức sự thay đổi tinh vi về dữ liệu ánh sáng khi có một hành tinh vô tình bay ngang qua khoảng không giữa nó và Trái Đất, đủ để các nhà khoa học nhận biết và hiểu về hành tinh đó.
Với các 2 mặt trăng giả thuyết quay quanh 2 hành tinh nói trên, sự tồn tại của chúng dường như được tiết lộ bởi đường cong ánh sáng bị mờ thêm.
Nhưng điều đáng kinh ngạc là các phép tính cho thấy chúng to hơn Trái Đất rất nhiều, ngang ngửa với Sao Hải Vương!
Tuy vậy, phát hiện nói trên gây tranh cãi nảy lửa vì sự tồn tại của các mặt trăng lớn đến vậy dường như là vô lý.
"Do sự chuyển động của mặt trăng và hành tinh xung quanh ngôi sao mẹ, việc làm mờ thêm đường cong ánh sáng tuân theo một mô hình khá phức tạp" - TS Heller cho biết.
Vì vậy họ đã lập nên các mô phỏng về những yếu tố có thể làm cho đường cong ánh sáng của ngôi sao "2 lần mờ đi". Hàng triệu kịch bản đã được xem xét, bao gồm "nhật thực" do mặt trăng gây nên cho hành tinh, cũng như hành tinh gây ra cho sao mẹ của nó.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, có rất nhiều thứ có thể làm thay đổi đường cong ánh sáng của ngôi sao, từ các đám mây khí bụi vũ trụ cho đến các tiểu hành tinh xâm nhập.
Kết quả khá "đau lòng": Xác suất Kepler-1708b có mặt trăng thấp đi hẳn; trong khi sự mờ đi của Kepler-1625b có thể giải thích bằng sự tối đi của rìa đĩa sao, do vị trí nằm và kích cỡ của hành tinh này.
Huy động thêm kính viễn vọng không gian Hubble, một kính viễn vọng "hạng nặng" vẫn hoạt động suốt hơn 3 thập kỷ, các nhà khoa học nhận thấy giả thuyết về sự tối đi của rìa đĩa sao là khá hợp lý.
Nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết.
Do đó, dù phát hiện mới nghiêng về việc không tồn tại các siêu mặt trăng to như Sao Hải Vương, nhưng nó lại mở ra một câu đố thú vị mới: Cái gì đã làm tối hai ngoại hành tinh khổng lồ?
Rất có thể đó là một dạng vật thể hay hiện tượng không thể so sánh với thứ gì khác trong hệ Mặt Trời và chưa được nhân loại biết đến.
Bình luận (0)