xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

SỬA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: Lo lương hưu không đủ sống

NHÓM PHÓNG VIÊN

Khi tính tỉ lệ lương hưu, cần cân nhắc đến yếu tố bình đẳng giới để bảo đảm nguyên tắc đóng hưởng và tránh thiệt thòi cho đối tượng tham gia

Theo quy định hiện hành (khoản 5 điều 56 Luật BHXH năm 2014), mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu (áp dụng đối với những NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng BHXH bắt buộc) bằng mức lương cơ sở (LCS). Tuy nhiên, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã không còn quy định này.

Phải bảo đảm cuộc sống người lao động

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, từ ngày 1-7-2024, Nhà nước sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, theo đó sẽ không còn mức LCS. Do vậy, việc quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức LCS như hiện nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó, dự luật đang xây dựng chính sách BHXH đa tầng. Theo thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng thì tầng thấp nhất là tầng hưu trí xã hội, đây cũng chính là mức lương hưu thấp nhất.

Bản chất của trợ cấp hưu trí xã hội chính là trợ cấp xã hội cho người cao tuổi đã được thực hiện lâu nay. Mức trợ cấp hiện tại là 360.000 đồng/tháng, chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trước đó, dự thảo luật đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng/người/ tháng, cũng chỉ đạt 25%-33% chuẩn nghèo thành thị và nông thôn hiện tại. Do vậy, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc bỏ quy định mức lương hưu tối thiểu khiến nhiều NLĐ băn khoăn vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất như Luật BHXH năm 2014 hoặc có phương án để cách tính lương hưu mang tính chia sẻ nhằm hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng do lương hưu hằng tháng được tính trên thời gian và mức lương căn cứ đóng BHXH nên cùng với việc bỏ mức sàn lương hưu, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp NLĐ có mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng tỉ lệ 33,75% cho 15 năm đóng BHXH hoặc NLĐ tham gia BHXH tự nguyện chọn mức đóng thấp do khả năng tài chính có hạn...). Việc hạ số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu cũng cần tính toán để mức lương hưu đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ.

Tiếp thu ý kiến đóng góp, tại báo cáo về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về nguyên tắc quy định một khoản trong điều quy định chuyển tiếp bảo lưu quy định tại khoản 5 điều 56 của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, đối tượng đã tham gia BHXH trước ngày dự luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại vì quy định này không áp dụng đối với người tham gia BHXH sau ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, khiến người cao tuổi có khả năng nhận mức lương hưu không đủ sống.

Người lao động mong khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng mức lương hưu đủ sốngẢnh: HOÀNG TRIỀU

Người lao động mong khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng mức lương hưu đủ sống. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thu hẹp chênh lệch giữa các đối tượng

Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), mức hưởng của NLĐ nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH được hưởng thêm 2%. Trường hợp lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Tức nếu đóng BHXH 15 năm lao động nam được hưởng tỉ lệ lương hưu là 33,75% mức lương bình quân đóng BHXH.

Theo ThS Hoàng Thị Minh Tâm, Giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỉ lệ hưởng hưu giữa lao động nam và nữ có sự chênh lệch lên đến 11,25% là chưa bảo đảm công bằng đối với lao động nam. ThS Tâm cho rằng khi tính tỉ lệ lương hưu cần cân nhắc đến yếu tố bình đẳng giới để bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và tránh thiệt thòi cho đối tượng tham gia. Ông Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận hiện độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60, chênh nhau 2 tuổi, nhưng thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% lại lệch nhau tới 5 năm. "Tôi đề nghị thời gian đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa của lao động nam là 32 năm thay vì 35 năm như hiện nay, còn nữ giữ nguyên 30 năm. Thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu đối với nam là 17 năm thay vì 20 năm, nữ vẫn là 15 năm. Điều này sẽ bảo đảm sự công bằng và thống nhất với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ" - ông Thắng góp ý.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật Lao động năm 2019, kế thừa quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và chỉ bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu với các trường hợp luật hiện hành chưa có quy định. Để bảo đảm cân đối quỹ trong dài hạn, Luật BHXH năm 2014 đã có lộ trình điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng BHXH (tỉ lệ tích lũy) từ 3% còn 2,5% (giảm 0,5%) đối với nữ và từ 2,5% còn 2,14% (giảm 0,36%) đối với nam. Như vậy, lộ trình điều chỉnh giảm của nữ nhiều hơn nam là 0,14%/năm. Cho nên, việc quy định mức tối thiểu 15 năm hưởng 33,75% đối với nam, 45% đối với nữ là phù hợp. 

Theo Bộ LĐ-TB-XH, bình quân trong 30 năm thì tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng BHXH (tỉ lệ tích lũy) của nam là 2,14%/năm. Tuy nhiên, để bảo đảm mối tương quan hài hòa và lương hưu tương đương 15 năm tham gia BHXH không quá thấp, cơ quan soạn thảo đã dự thảo tỉ lệ tích lũy đối với nam là 2,25% thay vì hưởng 32,1%.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo