Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thu hồi quyền tuyển sinh quốc tế của ĐH Harvard, đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc đối đầu giữa hai bên.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ công bố động thái này hôm 22-5 khi cáo buộc ĐH Harvard đã tạo ra một môi trường khuôn viên không an toàn bằng cách cho phép những "kẻ kích động chống Mỹ, ủng hộ khủng bố" tấn công sinh viên Do Thái trong khuôn viên trường.
Theo tuyên bố của bộ này, ĐH Harvard không còn được phép tuyển sinh sinh viên nước ngoài và những sinh viên quốc tế hiện đang theo học phải chuyển trường hoặc sẽ mất tình trạng pháp lý. Theo AP, ĐH Harvard hiện có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 25% tổng số sinh viên của trường. ĐH Harvard đã gọi hành động trên là bất hợp pháp và cho biết đang nỗ lực cung cấp hướng dẫn cho sinh viên.
Harvard trở thành trường đầu tiên công khai thách thức các yêu cầu của Nhà Trắng nhằm vào những trường tinh hoa bị chính quyền chỉ trích là trung tâm của chủ nghĩa bài Do Thái.
Điều này khiến cuộc đối đầu giữa chính quyền ông Donald Trump và Harvard - ĐH lâu đời và giàu nhất nước - trở nên căng thẳng hơn. Chính phủ liên bang đã cắt khoản tài trợ 2,6 tỉ USD cho ĐH Harvard, buộc nhà trường phải tự tài trợ phần lớn hoạt động nghiên cứu quy mô lớn. Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố muốn tước bỏ tình trạng miễn thuế của trường.
Mối đe dọa đối với hoạt động tuyển sinh quốc tế của ĐH Harvard bắt nguồn từ một yêu cầu ngày 16-4 của Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem, theo đó trường này cung cấp thông tin về các sinh viên nước ngoài có thể liên quan đến các hành vi bạo lực hoặc biểu tình. Thông tin này có thể dẫn đến việc họ bị trục xuất.

Khuôn viên ĐH Harvard ở TP Cambridge, bang Massachusetts - MỹẢnh: AP
Trong một bức thư gửi ĐH Harvard hôm thứ 22-5, bà Noem cho biết lệnh trừng phạt đối với trường là "kết quả đáng tiếc" từ việc trường này không đáp ứng các "yêu cầu báo cáo đơn giản" nói trên.
Theo quan chức này, ĐH Harvard bị cấm tiếp nhận sinh viên quốc tế cho năm học 2025-2026 sắp tới nhưng có thể khôi phục quyền này nếu nộp đầy đủ hồ sơ liên quan đến sinh viên nước ngoài trong vòng 72 giờ. Yêu cầu cập nhật của bà Noem gồm tất cả hồ sơ, trong đó có cả hình ảnh hoặc video, về sinh viên nước ngoài tham gia biểu tình hoặc các hoạt động nguy hiểm trong khuôn viên trường.
Chủ tịch ĐH Harvard, ông Alan Garber, hồi đầu tháng này cho biết trường đã thực hiện một số thay đổi trong cơ cấu quản trị trong suốt một năm rưỡi qua, trong đó có chiến lược toàn diện nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trường sẽ không nhượng bộ đối với "những nguyên tắc cốt lõi được pháp luật bảo vệ" chỉ vì sợ bị trả đũa. Ông cũng nói thêm mình không biết có bằng chứng nào ủng hộ cáo buộc của chính quyền, theo đó sinh viên quốc tế "có xu hướng gây rối, bạo lực hoặc vi phạm kỷ luật hơn so với các sinh viên khác".
Diễn biến mới nhất nói trên sẽ khiến toàn bộ sinh viên nước ngoài tại Harvard rơi vào tình trạng bấp bênh. Những sinh viên này sẽ lập tức trở thành đối tượng có thể bị trục xuất trừ khi họ chuyển sang một trường khác hoặc tòa án can thiệp để ngăn chặn quyết định của Bộ An ninh Nội địa. Một số chuyên gia nhận định Harvard nhiều khả năng sẽ kiện lên tòa án liên bang, lập luận rằng hành động của Bộ trưởng Noem là phạm pháp vì trên thực tế đã làm tê liệt chương trình quốc tế của trường và ngăn cản trường tuyển sinh sinh viên từ khắp thế giới.
Động thái mới nhất của chính quyền ông Donald Trump được xem là đòn mạnh giáng vào ĐH Harvard, cũng như phát đi thông điệp các trường ĐH khác có thể là mục tiêu tiếp theo. Ngoài ra, bước đi này còn gây chấn động lĩnh vực giáo dục ĐH vì nó nhắm trực tiếp đến một nguồn thu lớn của hàng trăm trường khắp nước Mỹ. Các chuyên gia chỉ ra rằng do sinh viên quốc tế thường phải trả đầy đủ học phí, họ thực chất đang trợ cấp cho những sinh viên nhận hỗ trợ tài chính.
Sắc lệnh giải thể Bộ Giáo dục Mỹ bị chặn
Một thẩm phán liên bang hôm 22-5 đã ngăn chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhằm giải thể Bộ Giáo dục và ra lệnh cho cơ quan này tái bổ nhiệm khoảng 1.300 nhân viên bị sa thải trong các đợt cắt giảm quy mô lớn. Theo AP, phán quyết được đưa ra trong hai vụ kiện, theo đó lập luận việc sa thải nhân sự khiến Bộ Giáo dục không thể thực hiện các trách nhiệm do Quốc hội giao, trong đó có các nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục đặc biệt, phân phối hỗ trợ tài chính và thực thi các luật về quyền dân sự.
Bộ Giáo dục đã công bố cắt giảm nhân sự vào ngày 11-3, theo đó giảm 50% số lượng nhân viên bộ này. Hai ngày sau đó, 21 bang đã đệ đơn kiện chính quyền ông Donald Trump vì động thái nói trên. Đến ngày 20-3, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh nhằm giải thể Bộ Giáo dục. Sau đó, nhiều bên khác, trong đó có Liên đoàn Giáo viên Mỹ, đã nộp đơn kiện để bảo vệ cơ quan này.
Trong phán quyết nói trên, thẩm phán Myong Joun chỉ ra rằng việc cắt giảm nhân sự đã dẫn đến việc đóng cửa 7/12 văn phòng phụ trách thực thi quyền dân sự, bao gồm bảo vệ học sinh khỏi phân biệt đối xử về chủng tộc và do khuyết tật. Đáp lại, bà Madi Biedermann, phó trợ lý thư ký phụ trách truyền thông của Bộ Giáo dục Mỹ, chỉ trích thẩm phán này đã vượt quá quyền hạn của mình và cho biết chính quyền sẽ kháng cáo phán quyết này. Trước đó, chính phủ Mỹ cho biết việc sa thải nhân sự nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, chứ không phải để đóng cửa Bộ Giáo dục.
Xuân Mai
Bình luận (0)