Nói lắp thường thấy nhất ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi trưởng thành vẫn mắc tật này. Tuy không phải là bệnh nhưng nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức và khổ tâm khi trẻ mắc phải vì nói khó khăn nên trẻ dần trở nên nhút nhát, ít nói chuyện, xấu hổ và mặc cảm.
Tại sao trẻ nói lắp?
Nói lắp là một hiện tượng rối loạn ngôn ngữ, thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái. Nói lắp là tình trạng xuất hiện phổ biến trên toàn thế giới, mọi nền văn hóa và mọi nhóm dân cư. Nguyên nhân xuất phát từ bên trong hoặc môi trường bên ngoài. Nguyên nhân bên trong là yếu tố di truyền chiếm 1/3 trường hợp. Môi trường sinh sống của trẻ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc trẻ nói lắp như người giữ trẻ bị nói lắp, chấn thương nặng về tinh thần hoặc thực thể...
Trẻ bị tật nói lắp sẽ nói lắp hơn khi bị căng thẳng, lo sợ, bối rối... Ngoài ra, khi nói, trẻ lắp còn bị tinh thần gấp gáp, múa tay, môi run, nói một câu phải tốn rất nhiều sức. Đặc biệt, bị người khác cười đùa, trẻ càng tỏ ra căng thẳng, nói không ra lời.
Nguyên nhân gây nói lắp
Tuy đã có nhiều nghiên cứu về tật nói lắp nhưng chưa có nghiên cứu nào thực sự chứng minh hay giải thích được nguyên nhân của tật này. Bởi vậy đã có nhiều giả thuyết về vấn đề này như sau:
Một số người cho rằng những trường hợp sinh khó phải dùng forceps hoặc với trẻ bị ngã va đầu vào vật cứng gây tổn thương vùng ngôn ngữ sẽ có ảnh hưởng nhất định lên khả năng ngôn ngữ.
Cũng có ý kiến cho rằng khi thai nghén, sản phụ mắc một bệnh nào đó có thể đã gây tổn thương cho não trong đó có vùng ngôn ngữ của thai nhi. Hoặc trẻ nhỏ bị để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ sau khi điều trị khỏi bệnh viêm não, viêm màng não.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học lại cho rằng do một cú sốc tâm lý có khả năng làm cho trẻ mắc tật nói lắp, dù trước đó không có tật này. Dạng nói lắp do tâm lý có tỉ lệ rất hiếm trên thực tế.
Ngoài ra, trong gia đình có nhiều người nói lắp thì khả năng nói lắp của trẻ nhỏ cũng sẽ rất cao. Bắt chước người khác nói lắp hoặc thường xuyên tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp.
Khắc phục trẻ nói lắp
Khắc phục tật nói lắp khi còn nhỏ càng sớm càng tốt. Cha mẹ nên tạo bầu không khí thoải mái, không phán xét hay tạo áp lực để trẻ có thể nói chuyện một cách tự nhiên và cởi mở. Nói chậm rãi và từ từ khi trò chuyện với trẻ sẽ giúp trẻ theo kịp và hiểu những gì bạn nói. Kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói, cố gắng hiểu trẻ muốn nói gì. Để cho trẻ hoàn thành câu nói, không làm trẻ bị gián đoạn câu nói của mình. Đừng giành nói trước câu nói hay suy nghĩ của trẻ. Hãy để cho chính trẻ tự nói lên, điều này giúp cho trẻ bình tĩnh, chậm rãi khi phát biểu. Nên tập cho trẻ thói quen nói chuyện rõ ràng, lưu loát ngay từ khi còn nhỏ.
Cách điều trị
Cách điều trị sẽ có sự khác nhau tùy vào mỗi độ tuổi. Tâm lý liệu pháp là một phần cơ bản của quá trình điều trị, điều chỉnh nhân cách của trẻ bị tật nói lắp, tạo cho trẻ lòng tự tin khi giao tiếp.
Điều trị huấn luyện nhằm giải thoát các cử động co thắt khi phát âm cũng như khi cấu âm, làm kiện toàn khả năng diễn đạt bằng cách tiến hành các bài tập từ ngữ với các buổi nói chuyện.
Phòng bệnh bắt đầu từ khi trẻ hình thành ngôn ngữ. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn ngôn ngữ của trẻ một cách đúng đắn theo hướng dẫn của các chuyên gia ngôn ngữ.
Người trưởng thành muốn tập bỏ nói lắp
Để bỏ được tật nói lắp, trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Người có tật nói lắp phải tự tin, dám mạnh dạn thể hiện mình, cố nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi. Người nói lắp cần rèn tốc độ phát âm và nói chậm, tâm lý thật bình tĩnh khi nói, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần, câu nói phải nối với nhau.
Phải luyện tập đều đặn và kiên trì mỗi ngày. Ngoài ra cũng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể thao, tập hít thở. Đọc thành tiếng một câu chuyện hay bài báo thường xuyên với tốc độ chậm rãi, sau đó tăng dần và tiến tới đọc nhanh, lưu loát. Nếu kiên nhẫn duy trì luyện tập đọc được thường xuyên thì kết quả sẽ rất tốt.
Bình luận (0)