Lấy chồng hơn một năm, không dùng biện pháp tránh thai nào nhưng chị Linh (28 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa có tin vui. Điều này khiến chị lo lắng vì sợ vô sinh. Thực tế, từ lúc dậy thì đến nay chị vẫn có kinh nguyệt dù 6 tháng mới thấy một lần, nhưng chị không nghĩ đó là bất thường để đi khám.
Trường hợp như chị Linh không phải là hiếm gặp. Nhiều chị em không hề biết rằng kinh nguyệt không bình thường có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thậm chí như một trường hợp ở TPHCM mới đây, chưa một lần có kinh nguyệt từ nhỏ nhưng mãi đến năm 40 tuổi bệnh nhân mới đi khám vì sợ bị u buồng trứng. Đến lúc này, chị mới ngã ngửa vì mang nhiễm sắc thể XY của nam và có tinh hoàn ẩn.
Một nghiên cứu mới đây trên 1.000 phụ nữ châu Á cho thấy, có đến một nửa số người được phỏng vấn vẫn lầm tưởng rằng một phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt thì vẫn có khả năng sinh sản. Con số này ở Việt Nam là 60%.
Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trên quy mô cộng đồng về tình trạng vô sinh của các cặp vợ chồng Việt Nam gần đây cũng cho thấy, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh cao gấp 1,2 - 1,3 lần so với những người có vòng kinh đều. Gần 14.400 cặp vợ chồng tại 8 tỉnh, đại diện cho 8 vùng trên cả nước đã trả lời phỏng vấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khả năng thụ thai của người phụ nữ dựa trên và được dự đoán bởi chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có những sự thay đổi do hoóc môn nội tiết gây ra.
Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trung bình là 28 ngày, bắt đầu từ ngày xuất hiện kinh nguyệt (ngày thứ nhất) cho tới ngày xuất hiện kinh nguyệt của chu kỳ tiếp theo. Chênh lệch 1-5 ngày vẫn có thể coi là chu kỳ kinh đều.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội) cho biết, kinh nguyệt còn gọi là hành kinh hoặc thấy tháng vì xảy ra hàng tháng. Đây là một dấu hiệu quan trọng vì "có tháng" nghĩa là có khả năng sinh con. Nếu số lần kinh trong một năm không đủ 8 lần thì khả năng có thai hạn chế.
Các nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều có thể là do dùng dụng cụ tử cung không thích hợp, thay đổi thuốc tránh thai hoặc dùng một vài thuốc, tập luyện quá mức, có thai hoặc cho con bú, căng thẳng hoặc do bệnh như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung...
Nếu nghi ngờ do bị stress, vận động quá nhiều, gầy sút hay tăng cân quá mức thì chị em cần thay đổi lối sống. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị nội tiết để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, với những thiếu nữ chưa qua 18 tuổi mà có kinh một vài lần rồi tịt luôn thì chưa cần cần quá lo lắng. Vì đây là đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các em nữ trong tuổi dậy thì. Nếu đã qua 18 tuổi mà vẫn chưa thấy có kinh trở lại hoặc tự dưng mất kinh 3-6 tháng chị em nên đi khám để biết nguyên nhân và điều trị.
Bình luận (0)