Ảnh minh họa: Internet
Hầu hết mọi căn bệnh đều biểu lộ thông qua da. Khi hệ thống bên trong hoạt động không bình thường, những dấu hiệu bất thường sẽ bắt đầu xuất hiện ra bên ngoài thông qua da.
Thông thường, lớp biểu bì sẽ cho chúng ta biết các căn bệnh thường gặp sau:
1. Da có nhiều nếp nhăn
Nguy cơ gãy xương đang tăng cao
Trong một kết quả nghiên cứu mới được thực hiện ở 114 phụ nữ đã mãn kinh tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những người có nhiều nếp nhăn trên cổ và mặt, mật độ xương ở hông, cột sống và gót chân của họ khá thấp. Bác sĩ Lubna Pal, người đứng đầu cuộc nghiên cứu thuộc khoa Y trường ĐH Yale, giải thích: “Collagen trong da giống như collagen trong xương. Sự thiếu hụt collagen có thể là nguyên nhân gây ra các vết nhăn trên da và giảm mật độ xương”.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc kiểm tra mật độ xương. Nếu có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bạn cần tập thể dục, bổ sung thêm can-xi, vitamin D và uống thuốc bisphosphonates (loại thuốc phổ biến được dùng trong việc điều trị bệnh loãng xương) để làm chậm quá trình mất xương.
2. Những mảng da thẫm màu
Bạn có thể bị tiểu đường
Bệnh gai đen (acanthosis nigricans) là tình trạng da bị biến đổi màu sắc thường xuất hiện tại các nếp nhăn và nếp gấp trên da xung quanh háng, nách và cổ. Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường típ 2 - căn bệnh có liên quan đến sự gia tăng mức hormon insulin.
Sự dư thừa insulin lưu thông trong máu có thể gây ra những phát triển bất thường trong các tế bào da. Đôi khi, các chuyên gia da liễu có thể chẩn đoán được bệnh gai đen bằng cách quan sát các biểu hiện trên da. Lúc này, bạn cần đến bác sĩ nội khoa để được kiểm tra về bệnh tiểu đường. Nếu kết quả là dương tính, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên cần thiết về việc thay đổi lối sống và kê đơn thuốc giúp kiểm soát căn bệnh.
3. Da mờ, khô
Bạn bị thiếu các axit béo omega 3
Các axit béo omega 3 nổi tiếng bởi những lợi ích của chúng đối với sức khỏe: hỗ trợ cho chức năng của não, hạn chế tình trạng viêm nhiễm và giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, viêm khớp.
Chúng còn đóng vai trò thiết yếu đối với làn da, làm tăng sức mạnh cho các màng tế bào và điều chỉnh tốc độ sinh sản của tế bào, đảm bảo cho da luôn được dưỡng ẩm và sáng bóng. Sự thiếu hụt các axit béo omega 3 có thể làm chậm chu kỳ bong tróc da tự nhiên, dẫn đến tình trạng da bị khô, thậm chí có thể gây gàu trên da đầu. Cách tốt nhất để cung cấp các axit béo omega 3 cho cơ thể là ăn nhiều những thực phẩm có chứa chúng như cá hồi, cá mòi, hạt lanh, quả óc chó và đậu nành.
4. Da bị ngứa
Bạn có thể mắc bệnh Hodgkin hoặc ung thư hạch không Hodgkin.
Tình trạng ngứa liên tục và dữ dội trên da - vốn có nguyên nhân từ sự thừa thãi quá mức của những tế bào bất thường lưu thông trong mạch máu - có thể được xem là một dấu hiệu sớm của hai căn bệnh ung thư Hogkin và ung thư hạch không Hodgkin.
Bệnh Hodgkin (Hodgkin lymphoma) là một căn bệnh ung thư có nguồn gốc từ các tế bào máu trắng được gọi là tế bào lympho. Căn bệnh này được đặt theo tên của bác sĩ Thomas Hodgkin, người đầu tiên mô tả bất thường trong hệ thống bạch huyết. Trong khi đó, các u không Hodgkin là một nhóm đa dạng của ung thư máu, gồm bất kỳ loại ung thư hạch nào, ngoại trừ u lympho Hodgkin.
Tình trạng ngứa do ung thư tế bào lympho sẽ không bình thường, tựa như có cái gì đó dưới da. Các loại kem trị ngứa thông thường và các thuốc kháng histamin đều không giải quyết được cơn ngứa. Một số triệu chứng khác của hai loại bệnh này đó là các khối u bạch huyết sưng phồng lên nhưng không đau, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và thở ngắn. Lúc này, bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra ngay. Nếu được phát hiện sớm, những căn bệnh này đều có tiên lượng khả quan.
5. Vùng da phía dưới chân thay đổi màu sắc hoặc sưng tấy
Bạn có thể bị suy tĩnh mạch
Khi máu lưu thông đến chân, tĩnh mạch có nhiệm vụ bơm chúng quay trở lại điểm trung tâm của cơ thể là tim. Khi các tĩnh mạch không thể hoạt động tốt (không thắng nổi trọng lực để đẩy máu đi), máu sẽ bị dồn xuống phía dưới chân, gây ra tình trạng sưng phồng và tấy đỏ trên da. Ngoài ra, đây còn là biểu hiện của nhiều căn bệnh khác. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nội khoa để biết được chính xác nguyên nhân khiến phần da dưới da bị thay đổi màu và sưng.
Bình luận (0)