Theo Medical Xpress, nhóm bệnh nhân được nghiên cứu bao gồm 1.106 người trưởng thành chưa tiêm vắc-xin (tuổi trung bình 50) bị nhiễm SARS-CoV-2 những năm 2020-2021 và 628 người lớn tuổi được chọn ngẫu nhiên từ dân số nói chung, cũng chưa tiêm ngừa.
Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến hơn 1/6 người chưa tiêm vắc-xin - Ảnh: MEDICAL XPRESS
Những người tham gia đã cung cấp thông tin về 23 triệu chứng hậu COVID-19 tiềm ẩn vào 6, 12, 18 và 24 tháng sau khi bị nhiễm bệnh, vốn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của họ.
Kết quả cho thấy 17% người tham gia không trở lại sức khỏe bình thường và 18% báo cáo các triệu chứng liên quan đến COVID-19 đến tận 24 tháng sau khi lần nhiễm bệnh cấp tính.
Cụ thể hơn, 55% người tham gia cho biết họ đã trở lại tình trạng sức khỏe bình thường chưa đầy một tháng sau khi bị nhiễm bệnh và 18% cho biết đã hồi phục trong vòng 1-3 tháng. Đến 6 tháng, 23% người tham gia báo cáo rằng họ vẫn chưa hồi phục, giảm xuống còn 19% sau 12 tháng và 17% sau 24 tháng.
Tỉ lệ những người vẫn gặp phải các triệu chứng được cho là có liên quan đến COVID-19 tại ba mốc thời gian tương tự nhau nhưng cao hơn một chút, giảm từ 29% sau 6 tháng, xuống 20% sau 12 tháng và 18% sau 24 tháng.
Các vấn đề thường gặp nhất là thay đổi vị giác hoặc khứu giác (9,8%), khó chịu sau khi gắng sức (9,4%) và khó thở (7,8%) và các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như giảm khả năng tập trung (8,3%) và lo lắng (4%) vào tháng thứ 6.
Theo nhóm nghiên cứu - đến từ Đại học Zurich, Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ) và Trường Đại học California San Francisco (Mỹ) - đây là một nghiên cứu dựa trên dân số lớn, được đánh giá thường xuyên nên cung cấp các ước tính đáng tin cậy.
"Các vấn đề sức khỏe dai dẳng tạo ra những thách thức đáng kể cho những người bị ảnh hưởng và gây gánh nặng lớn cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng" - nhóm nghiên cứu viết trên BMJ, kêu gọi các biện pháp cộng đồng cụ thể hơn để giải quyết tình trạng hậu COVID-19.
Việc tiêm vắc-xin COVID-19 theo khuyến cáo từng được một số nghiên cứu chỉ ra là giúp giảm bớt nguy cơ bệnh nặng, đồng thời giảm nguy cơ mắc hậu COVID-19, vốn cũng tăng lên cùng với độ nặng của bệnh.
Theo khuyến cáo cập nhật được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành ngày 28-3, hiện có 2 nhóm đối tượng được khuyến nghị phải tiêm vắc-xin.
Thứ nhất, nhóm người cao tuổi, suy giảm miễn dịch nặng hay có bệnh nền nghiêm trọng (bao gồm trẻ em), mang thai, được yêu cầu tiêm nhắc mỗi 6-12 tháng sau mũi cuối cùng tùy tình hình miễn dịch cộng đồng ở nơi sinh sống.
Thứ hai, nhóm người khỏe mạnh dưới 60 tuổi và trẻ em, thiếu niên có bệnh nền nhưng chưa tới mức nghiêm trọng, được khuyến cáo tiêm đủ mũi cơ bản và 1 mũi tăng cường.
Bình luận (0)