Ngày 20-12, Sở Y tế TP HCM cho biết nếu năm 2021 là năm mà toàn hệ thống y tế tập trung cho "cuộc chiến" với đại dịch COVID-19 thì bước sang năm 2022, ngành y tế TP tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là sự biến động nguồn nhân lực y tế; nguồn thu của các bệnh viện tự chủ giảm sút ảnh hưởng cân đối thu chi; tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, cơ sở hạ tầng một số bệnh viện xuống cấp...
Nhìn lại năm 2022, Sở Y tế TP HCM nêu 10 thành tựu nổi bật như sau:
1. Phục hồi hệ thống y tế sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19.
Sau dịch COVID-19, các bệnh viện đã phục hồi công năng điều trị bệnh. (Ảnh: Sở Y tế)
2. Chủ động ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh, không để dịch chồng dịch.
Khi dịch COVID-19 vừa được kiểm soát thì dịch sốt xuất huyết bùng phát sớm. Thêm vào đó, dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch xảy ra.
3. Khởi động chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO PEN).
Năm 2022, ngành y tế ưu tiên nguồn lực để triển khai một chương trình chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP và góp phần giảm tỉ lệ tử vong.
4. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội giai đoạn sau COVID-19, ngành y tế TP chính thức đưa loại hình dịch vụ "cấp cứu trầm cảm" đi vào cuộc sống.
Sau hơn 4 tháng, cấp cứu trầm cảm đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ, tư vấn và cấp cứu. Trong đó, có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị.
Một phụ nữ có biểu hiện tâm thần nhảy múa trên nóc xe cấp cứu khoảng 1 giờ sáng ở quận Phú Nhuận. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115
5. Từ tháng 2-2022, TP thí điểm thành công việc đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế nhằm chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm.
6. Lần đầu tiên trên cả nước, ngành y tế TP triển khai luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện và đưa X-quang phổi có tích hợp trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, còn triển khai khám sức khoẻ và lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân tại xã.
7. Triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối của TP như: ghép thận cho bệnh nhi (Bệnh viện Nhi đồng 2); kỹ thuật giải trình tự gen giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự lây lan của các dịch bệnh mới nổi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ chức Oucru - Đại học Oxford); phẫu thuật robot cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng (Bệnh viện Bình Dân);…
8. Đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân và nhân viên y tế nhằm tìm ra giải pháp khả thi nhất để cải tiến quy trình dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế.
9. Thêm nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng như: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học; Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 1).
Bên cạnh đó, còn có 7 dự án trọng điểm khác gồm: Dự án xây dựng mới khoa khám bệnh - Khối điều trị ngoại khoa; Trung tâm Sơ sinh – chuyên khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1); Dự án Khu chẩn đoán kỹ thuật cao (Bệnh viện Nhân dân 115); Dự án xây dựng mới Trung tâm Pháp y TP… Đây là những cơ sở y tế có quy mô hiện đại, đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn và các vùng lân cận trong tương lai không xa.
10. Tổ chức thành công Hội thi Trưởng trạm y tế giỏi lần thứ nhất nhằm tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ y tế đang đảm trách công tác quản lý trạm y tế và nhân viên y tế thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế cơ sở.
Bình luận (0)