Trong thời kỳ mang thai, tinh hoàn của phôi thai giới tính nam ở trong vùng bụng. Trước lúc chuyển dạ, tinh hoàn sẽ di chuyển dần qua ống bẹn xuống bìu dái. Nếu vì lý do nào đó tinh hoàn không di chuyển xuống được, bị kẹt dừng lại ở đâu đó, y học gọi là tật tinh hoàn ẩn (Crytorchidism).
Thông thường khoảng 1/125 bé trai bị tật này, trong đó 10-15% trường hợp tật tinh hoàn ẩn ở cả hai bên. Đôi khi tinh hoàn ẩn một bên có thể tiếp tục di chuyển xuống bìu trong năm đầu tiên sau khi chào đời. Sau thôi nôi, hiếm khi có sự di chuyển tự nhiên của tinh hoàn ẩn. Trẻ sinh thiếu tháng hoặc thiếu cân có nguy cơ mắc tật này cao hơn những trẻ khác. 17% trẻ có cân nặng dưới 2,3 kg bị tinh hoàn ẩn, gần 100% trẻ dưới 1 kg bị tật này.
Sau 1 tuổi, nếu tinh hoàn vẫn chưa xuống đến bìu, cần xem xét và điều trị sớm cho trẻ. Phẫu thuật đưa chuyển tinh hoàn trẻ xuống bìu khá đơn giản và an toàn. Theo bác sĩ Mark Barraza, chuyên gia về tiết niệu trẻ em, hầu hết trẻ cảm thấy thoải mái, bình thường một thời gian ngắn sau cuộc mổ.
Tinh hoàn ẩn là tật bẩm sinh cần được quan tâm và điều trị. Nhiệt độ cơ thể ở vùng bụng, bẹn cao hơn ở vùng bìu có thể ngăn trở việc sản sinh tinh trùng ở tinh hoàn ẩn, dẫn đến nguy cơ vô sinh. Ngoài ra tinh hoàn ẩn còn có thể có nguy cơ bướu tinh hoàn, tinh hoàn bị tổn thương và gây tâm lý âu lo, sợ sệt ở trẻ có bìu dái trống một bên.
Tật tinh hoàn ẩn thường kết hợp với tật thoát vị vùng bẹn. Do đó theo bác sĩ M. Barraza, lúc tắm rửa, thay quần áo cho trẻ các bậc cha mẹ, cần chú ý quan sát những khối u, chỗ sưng bất thường ở vùng bẹn hay bìu dái bị trống một bên, chỉ có một tinh hoàn. Trẻ trai bị tật tinh hoàn ẩn có nhiều nguy cơ vô sinh, một số trẻ về sau có thể bị ung thư tinh hoàn. Bác sĩ M. Barraza khuyến cáo các bậc phụ huynh của trẻ có tật tinh hoàn ẩn nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để xác định và chữa trị sớm.
Bình luận (0)