Cuối giờ chiều 29-7, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) đã tiếp nhận 219 người lao động của Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, trong đó 129 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong số những bệnh nhân này có một số trường hợp được xác định đã khỏi bệnh, một số khác diễn biến nặng trong thời gian qua phải nằm điều trị BV ở Guinea Xích đạo nhưng hiện nay tình trạng bệnh đã tiến tiển tốt hơn, nhưng cũng ghi nhận các bệnh nhân có diễn biến nặng do có bệnh nền, mắc sốt rét.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận số bệnh nhân Covid-19 "nhiều chưa từng có"
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đánh giá đây là chuyến bay lần này là chuyến bay chưa từng có trong tiền lệ với nhiều nguy cơ rất cao vì tỉ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm đến hơn 50%, trong đó có các ca nặng. TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện cùng lúc lần này "nhiều chưa từng có". BV đã dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 với 400-500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm. Tất cả bệnh nhân thông thường đang điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở 1 ở đường Giải Phóng (Quận Đống Đa, Hà Nội) và các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho công tác đón các ca dương tính.
Hiện gần 250 người đã được đưa về các khu điều trị, cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Trở về từ chuyến bay, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết ông khá mệt sau chuyến đi dài. Chuyến bay đã kéo dài 12 tiếng, đến sân bay của Guinea Xích Đạo đã phải đợi 6 tiếng, lâu hơn dự kiến 3 tiếng vì phải chờ xăng từ nơi khác chở đến.
Khi máy bay cất cánh, hành khách bao gồm các bệnh nhân Covid-19 đều được thu xếp ổn thỏa. Có 15 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ê kíp y tế đã cho uống hạ sốt, uống nhiều nước và tình hình đã ổn định. Một số bệnh nhân có biểu hiện khó thở, tuy nhiên không phải thở máy. Các biểu hiện khó thở có thể do thay đổi áp suất khi lên máy bay và phải đeo khẩu trang trong thời gian dài.
Hệ thống buồng áp lực dương được lắp đặt trên máy bay với mục đích làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo
"Trong không gian hẹp và gần như không có thông khí của máy bay, số lượng người dương tính lại nhiều nên nồng độ đậm đặc của virus trong không khí cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất lớn... Nhưng 4 anh em trong đoàn cũng đã sẵn sàng cho tình huống xấu hơn xảy ra. Rất may không có tình huống xấu nào, chuyến bay an toàn. Sau chuyến công tác, anh em chúng tôi cũng phải tuân thủ cách ly y tế theo quy định 14 ngày trước khi trở lại cộng đồng để được tiếp tục cứu chữa cho người bệnh"- bác sĩ Hùng chia sẻ.
Cùng tham gia chuyến bay, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, công tác tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương từng là bệnh nhân Covid-19, do lây nhiễm từ bệnh nhân trong quá trình điều trị, hồi tháng 3 vừa qua chia sẻ: “Chuyến bay dài và hơi mệt, nhưng chỉ mệt một chút thôi. Tất cả đã trở về nhà, mọi người đều an toàn là yên tâm rồi”.
Đưới đây là một số hình ảnh ban đầu do nhân viên y tế bệnh viện ghi nhận:
Hình ảnh công dân Việt mang bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, 1 trong 4 nhân viên y tế của chuyến bay đến Guinea Xích đạo
4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trên chuyến bay
Các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sắp xếp về 3 khoa của bệnh viện
Nhân viên y tế có nhiệm vụ khử trùng các thành viên đoàn bay
Những lao động Việt Nam được hướng dẫn về chỗ tập trung
Phi hành đoàn về khu cách ly bệnh viện
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ phụ trách ê kip đi theo máy bay đón công dân về nước, tươi cười khi trở về. Bác sĩ Hùng chia sẻ "như trút gánh nặng" khi chuyến bay an toàn, không có tình huống xấu nào. Ông cũng đã trút bỏ đồ bảo hộ để về nơi cách ly cùng với phi hành đoàn, nơi ông sẽ phụ trách chăm sóc sức khỏe cho phi hành đoàn.
Bình luận (0)