Có 19% người Anh, 11% người Ý và 14% người Mỹ có xăm mình cảm thấy hối hận vì những hình xăm khó bôi xóa trên cơ thể. Đó là những thông tin được ThS-BS Võ Nguyễn Thúy Anh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - nêu ra trong một hội nghị khoa học do Bệnh viện Da liễu TP HCM vừa tổ chức.
Nghiên cứu của ThS Thúy Anh gọi việc y học cố gắng phát triển kỹ thuật xóa xăm an toàn, ngăn ngừa tác dụng phụ là những thách thức mới cho các bác sĩ trong thực hành lâm sàng. Chỉ có người đi xăm mình mới hiểu, xóa xăm đau đớn và tốn kém hơn xăm nhiều, chưa kể thường để lại một vết sẹo. Mong muốn lấy lại làn da nguyên vẹn 100% như khi chưa xăm của nhiều người có vẻ nằm ngoài tầm tay bác sĩ.
Tuy nhiên, các công nghệ mới đã có thể giảm bớt "thiệt hại" trên da khi bạn muốn xóa xăm. Trong khi các phương pháp xóa xăm cổ điển như phá hủy bằng cơ học, bằng hóa chất hoặc nhiệt nóng thường để lại những vết sẹo lớn thì các phương pháp ứng dụng laser phổ biến hiện nay đã có thể loại bỏ hình xăm một cách nhẹ nhàng, vết sẹo nếu có cũng mờ hơn rất nhiều.
Muốn việc xóa xăm hiệu quả nhất, vẫn còn cần đến quyết định bản thân của người xăm mình. Mực xăm thế hệ mới với thiết kế kiểu màng bọc, dễ dàng phá hủy và phóng thích dưới tác động của laser đã ra đời cách đây không lâu nhưng nhiều người vẫn dùng mực xăm cũ hoặc chê mực kiểu mới lên màu không như ý. Các bác sĩ khuyên rằng bạn hãy nhìn vào tỉ lệ "hối hận" và cân nhắc điều này.
Tốt nhất, hãy suy nghĩ kỹ trước khi xăm. Nếu vẫn còn chút băn khoăn không biết mình có thực sự muốn mang hình xăm đó trên người suốt đời không thì hãy khoan xăm. Hãy coi chừng, chớ vội tin tưởng vào những quảng cáo cho rằng có thể xóa xăm mà không để lại bất cứ dấu tích nào trên da thịt. Theo ThS Thúy Anh, ngoài việc cố gắng để việc xóa xăm không để lại sẹo, các bác sĩ và bệnh nhân còn phải đối mặt với tác dụng phụ của việc xóa xăm, đó là các phản ứng dị ứng, phản ứng chuyển màu mực xăm, hiện tượng hình xăm đề kháng với trị liệu laser...
Bình luận (0)