Theo ThS-BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh nhi thứ nhất và là trường hợp nặng hơn là bé P.T.N. (sinh ngày 28-7, quê ở Vĩnh Long), mắc bướu lớn ở vùng góc hàm 2 bên, lan xuống cổ, lấn vào cổ họng và thậm chí đẩy cả lưỡi ra ngoài. Khi nhập viện, bé còn có thêm tình trạng suy hô hấp do viêm phổi nên phải được điều trị phổi ổn định rồi mới có thể tiếp tục điều trị bướu.
Ca thứ hai là bé T.G.M. (sinh ngày 12-8, quê ở Cà Mau), bướu có phần nhỏ hơn và mức độ nguy hiểm ít hơn nhưng qua CT scanner thì tình trạng cũng rất phức tạp do bướu hiện bao bọc lấy dây thần kinh số 7, một bó mạch chủ chốt và lấn vào sàn miệng.
Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 thông báo về tình hình sức khỏe 2 bé tại cuộc họp báo
Do 2 ca đều có mức độ xâm lấn cao nên đều không thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mà các bé sẽ được tiêm một loại thuốc đặc biệt có tính năng làm xơ hóa các mô bướu, từ đó ngăn chặn sự phát triển và khiến khối bướu xẹp bớt.
Tùy vào mức độ của bướu, trẻ có thể phải tiêm 1 lần hoặc 2-3 lần, các mũi tiêm cách nhau 1 tháng. Ở các trường hợp tương tự, việc lựa chọn phẫu thuật hay tiêm tùy thuộc vào tính chất của bướu ở từng bệnh nhân, vì quan trọng nhất vẫn là giữ lại và phục hồi các chức năng cho trẻ, sau đó là vấn đề thẩm mỹ. Bên cạnh đó, ở những ca bướu xâm lấn phức tạp như 2 trường hợp trên, việc phẫu thuật ngoài nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng còn có thể không bảo đảm lấy 100% khối bướu ra khỏi cơ thể. Nếu sót vài nang bướu, khối u sẽ tiếp tục tái phát nặng nề hơn.
Bệnh nhi P.T.N. đang điều trị tại Khoa Sơ sinh
Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, dạng bướu này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Bướu hình thành do dị dạng mạch máu, gây tắc, ứ thành khối bướu và có thể ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là cổ và mặt.
2/3 trường hợp mắc bệnh này bướu sẽ lấn vào trong, chèn đường thở và có thể khiến em bé tử vong bất cứ lúc nào và đó cũng là biến chứng đáng lo ngại nhất. Khi phát hiện bệnh, trẻ cần được đưa vào ngay cơ sở y tế có đủ điều kiện để xử trí.
Ngoài ra, bướu khi phình to quá cũng có thể bị vỡ ra, nếu cấp cứu không kịp thì trẻ cũng có nguy cơ tử vong. Các trẻ bị bướu bẩm sinh có thể được phát hiện qua chẩn đoán tiền sản (siêu âm thai). Người mẹ cần được tư vấn về cách sinh cũng như việc điều trị cho con sau này. Những trẻ bị bướu thế này thường được sinh ra rất khó do khối bướu cản trở việc ra đời tự nhiên nên nhiều trường hợp phải sinh mổ.
BS Mậu cũng cho biết các ca bướu tân dịch là dạng ít gặp, chỉ chiếm khoảng 4% tỉ lệ các dạng bướu máu bẩm sinh nói chung ở trẻ sơ sinh. 50% các ca mắc bệnh được phát hiện trong giai đoạn sơ sinh và 95% được phát hiện dưới 3 tuổi.
Bình luận (0)