Ngày 29-7, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương và Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã ký kết hợp tác chiến lược về phát triển chuyên môn, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, dịch vụ để nâng cao năng lực dự phòng bằng vắc-xin, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Lễ ký hợp tác chiến lược giữa BV Nhi Trung ương, BVĐK Tâm Anh và Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: BVCC
Hiện Việt Nam có gần 30 triệu trẻ em dưới 16 tuổi với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh rất cao, đặc biệt là nhu cầu nâng cao về thể chất, trí tuệ để đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh của đất nước trong tương lai.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện hệ thống công lập, mới chỉ có trên 10% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Nhi. Tuyến cuối về chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào BV Nhi Trung ương ở miền Bắc và các BV Nhi đồng ở phía Nam. Hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đang gặp khó khăn về cung ứng vắc-xin, khiến số lượng lớn trẻ em có nguy cơ không được đáp ứng đầy đủ việc tiêm vắc-xin đúng lịch để kịp thời phòng bệnh.
Trong khi đó, quá trình phát triển kinh tế xã hội có tốc độ nhanh chóng, mỗi năm Việt Nam có thêm trên 1,5 triệu trẻ được sinh ra. Từ đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho trẻ em là một gánh nặng lớn cho ngành y tế nói chung, lĩnh vực nhi khoa nói chung, bao gồm cả khám chữa bệnh và tiêm chủng vắc-xin.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ sinh thái BVĐK Tâm Anh - Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết hệ sinh thái BVĐK Tâm Anh và VNVC hiện có gần 16.000 cán bộ, công nhân viên, bao gồm 3.000 bác sĩ, 8.000 điều dưỡng ở 50 tỉnh, thành trên cả nước. Hai Khoa Nhi của BVĐK Tâm Anh ở Hà Nội và TP HCM tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhi thăm khám ngoại trú và nội trú, nhất là thời điểm giao mùa và dịch bệnh. Hệ thống tiêm chủng VNVC mỗi ngày đón khoảng 100 ngàn lượt khách hàng, trong đó tỉ lệ 55% là trẻ em.
Từ khi ra đời đến nay, VNVC đã nỗ lực đưa nhiều loại vắc-xin mới và chất lượng, giá thành bình ổn về Việt Nam bên cạnh chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, VNVC cũng đã và đang xây dựng hệ thống trung tâm tiêm chủng khắp cả nước để người dân miền xuôi cũng như miền ngược được tiếp cận đầy đủ, bình đẳng về vắc-xin.
Sắp tới, VNVC sẽ cố gắng tiếp tục đưa thêm nhiều loại vắc-xin mới về Việt Nam như vắc-xin sốt xuất huyết để dự phòng, tránh nguy cơ người dân nhập viện, gặp biến chứng khi mắc bệnh, giảm quá tải cho khối điều trị.
Ông Ngô Chí Dũng khẳng định sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho mối quan hệ lâu dài giữa 3 đơn vị y tế lớn. "Việc hợp tác mở ra nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của các bên, mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em và người dân nói chung", ông Dũng nói.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi Trung ương, phụ trách chuyên môn nhi khoa tại 28 tỉnh miền Bắc, với 18 bệnh viện vệ tinh được đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ năm 2013-2020. Hiện nay theo đề án khám chữa bệnh từ xa, BV Nhi Trung ương đào tạo cho hơn 500 bệnh viện đến tận tuyến huyện trên 60 tỉnh, thành cả nước. Theo PGS Điển, sự hợp tác toàn diện của BV Nhi Trung ương với BVĐK Tâm Anh và VNVC sẽ mang đến nhiều cơ hội tập trung đào tạo, nghiên cứu các kỹ thuật chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật mới, từ đó chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng tốt hơn.
Trẻ em tiêm chủng tại VNVC. Ảnh: Hoàng Thanh
Các nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa BV Nhi Trung ương và Hệ thống tiêm chủng VNVC bao gồm hỗ trợ chuyên môn, tổ chức đào tạo, hỗ trợ công tác tiếp nhận và chuyển tuyến người bệnh và hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc ký kết hợp tác chiến lược cùng BV Nhi Trung ương giúp nâng cao chất chất lượng chuyên môn, đảm bảo tính an toàn trong hoạt động tiêm chủng vắc-xin, khám sàng lọc, theo dõi và xử trí các phản ứng sau tiêm chủng của VNVC.
Nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa BV Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm nhiều lĩnh vực: Hỗ trợ chuyên môn, đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hội chẩn, điều trị trong các lĩnh vực. Đồng thời, hai bên tiếp nhận người bệnh, phân tuyến kỹ thuật nhằm điều chuyển phù hợp theo nhu cầu người bệnh. Ngoài ra, các bên chú trọng cùng hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực y tế chuyên sâu.
Bình luận (0)