Tối 20-5, Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn chả lụa từ người bán dạo, cơ quan chức năng đã kiểm tra và yêu cầu cơ sở sản xuất chả lụa này đóng cửa và ngưng ngay hoạt động.
Một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Cụ thể, kết quả điều tra, người bán dạo chả lụa là người làm công cho một chủ lò bánh mì. Chủ lò bánh mì này đã lấy chả lụa ở một cơ sở sản xuất chả lụa trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Cơ sở này hoạt động được gần hai tháng, không có giấy tờ đăng ký và không có biển hiệu. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu chả lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đang chỉ đạo các phường trên địa bàn kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những cơ sở sản xuất giò chả, bún phở.
Chiều cùng ngày, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đơn vị cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang phối hợp điều trị cho ba trường hợp mới bị ngộ độc botulinum.
Theo đó, 3 trường hợp người lớn (cùng ngụ TP Thủ Đức) là sự nối tiếp của chùm 3 ca bệnh nhi ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM).
Cả 3 bệnh nhân đều tiếp xúc nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13-5. Trong đó, hai anh em ruột (18 và 26 tuổi) ăn bánh mì có kèm với chả lụa bán dạo và người đàn ông 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày.
Sau khi ăn 1 ngày, cả 3 người đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy. Sau đó, tiến triển nặng bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Trong đó, bệnh nhân 18 tuổi có diễn biến sớm nhất, vì yếu sức cơ nên nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Chiều 15-5, người đàn ông 45 tuổi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định và bệnh nhân 26 tuổi bị nhẹ hơn đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám.
Bác sĩ Hùng nhận định, qua các triệu chứng và bệnh sử nghi ngờ cả 3 đều ngộ độc botulinum. Bệnh nhân 45 tuổi tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã được lấy mẫu đem đi xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP HCM và xác định có sự hiện diện của độc tố botolinum tồn tại. "Như vậy, hơn 90% các trường hợp này là ngộ độc botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn" – bác sĩ Hùng nói.
Về tình trạng bệnh, hiện nay có hai bệnh nhân (18 và 45 tuổi) phải thở máy, liệt cơ, sức cơ chỉ có 1/5. Riêng bệnh nhân 26 tuổi, sức cơ có thể cử động được một chút và vẫn có thể tự thở được. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân 26 tuổi vài ngày tới vẫn có nguy cơ cao phải thở máy hỗ trợ.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết hiện đã hết thuốc BAT giải độc botulinum. Đây là vấn đề đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị. Nếu ngộ độc botulinum mà được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48-72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy.
Trường hợp, nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày tức rất là sớm sau khi ngộ độc, trong thời gian trung bình khoảng từ 5-7 ngày bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.
Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì phải có điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Bởi chất độc botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ. Khi liệt cơ thì không thể thở được và dẫn tới tử vong.
"Trước đây, nếu chưa có máy thở về hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp thì bệnh nhân rất dễ tử vong. Nhưng hiện chúng ta các phương tiện hỗ trợ như thở máy vấn đề điều trị sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, kết quả cũng không được giống như mong muốn là sử dụng thuốc" – bác sĩ Hùng nói.
Bình luận (0)