Ngày 4-4, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết bệnh nhân Sùng Diêu Hồng (52 tuổi) sau 1 tuần ăn nhầm nấm độc dù đã tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau bụng nhưng men gan đang tăng và có dấu hiệu suy gan. Theo bác sĩ Dũng, khoảng 3 ngày nữa mới có thể khẳng định bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không.
Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 28-3, gia đình ông Sùng Diêu Hồng nấu một nồi canh nấm để cả nhà ăn sáng. Có 4 người ăn canh nấm gồm: ông Hồng cùng vợ là bà Thào Thị Vá (48 tuổi), chị Ly Thị Pà (23 tuổi, con dâu ông bà Hồng, Vá) và anh Sùng Văn Hoành (28 tuổi, con trai).
9 giờ sau khi ăn canh nấm, cả 4 người đều bị nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt. Đêm cùng ngày 28-3, người thân và hàng xóm đã đưa 4 nạn nhân đến BV Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu. Những bệnh nhân này được xác định ngộ độc nấm. Do bị nhiễm độc quá nặng, 3 người thân của ông Hồng đã tử vong, ông Hồng được chuyển về BV Bạch Mai điều trị.
Bác sĩ Dũng cho biết Trung tâm Chống độc từng cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng phau, mập mạp, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Không chỉ người dân, mà từng có trường hợp dược sĩ khi đi vào rừng, thấy nấm quá hấp dẫn, trắng muốt hái về ăn và không qua khỏi. "Nhiều người cho rằng những cây nấm có côn trùng, kiến ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế, có bệnh nhân thấy có con kiến ăn, nghĩ không độc nên yên tâm nhưng ăn xong thì tử vong. Thậm chí có người thử nấm độc bằng cách cho gà và chó ăn rồi theo dõi một vài tiếng, nếu không sao mới ăn nhưng thực tế có những loại nấm gia súc, gia cầm ăn vào không sao nhưng người ăn là chết. Nhiều loại nấm gây chết người thường sau 6-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên"- bác sĩ Dũng cảnh báo.
Bình luận (0)