Dù không phải là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng trên địa bàn TP HCM đã có 3 ca tử vong do bệnh này, trong đó có 2 ca giữa mùa nắng nóng.
“Ổ dịch” tại quận 12
Hai nạn nhân xấu số này gồm một người lớn và một trẻ nhỏ, cùng cư ngụ trên địa bàn quận 12. Trường hợp thứ nhất là bé N. (9 tháng tuổi; ngụ khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận), tử vong với chẩn đoán sốc SXH nặng, suy đa tạng. Bé N. điều trị trong tình trạng sốt liên tục (có lúc nhiệt độ lên tới 39,5 độ C) và xuất huyết thái dương phải, không đáp ứng truyền máu và tiểu cầu nên đã tử vong. Trường hợp thứ hai là N.T.K (nữ, 36 tuổi; ngụ khu phố 7, phường Hiệp Thành), tử vong do SXH với chẩn đoán SXH nặng, sốc. Trước đó, tại quận 5 cũng ghi nhận 1 ca tử vong do SXH.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại quận 12 Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã ghi nhận hơn 4.000 người mắc SXH phải nhập viện điều trị. Tại thời điểm này vẫn có hơn chục quận, huyện báo cáo có nhiều ca mắc SXH.
Ngay sau khi xuất hiện những cái chết bất thường do SXH, mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM do Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hưng dẫn đầu đã tiến hành khảo sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai ngay công tác phòng chống dịch bệnh tại quận 12. Qua ghi nhận thực tế, đoàn tỏ ra quan ngại về công tác phòng chống, vệ sinh môi trường, ý thức phòng bệnh nơi đây. Tại khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12 - nơi vừa có ca tử vong nói trên, đoàn ghi nhận điều kiện môi trường rất mất vệ sinh, rác xả bừa bãi, nhiều loại vật dụng chứa lăng quăng nằm khắp nơi...
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, trung tâm đã liên tục ghi nhận những ca bệnh SXH tại khu vực này thời gian gần đây. Ông cho rằng nếu không phòng ngừa quyết liệt, nguy cơ bùng phát dịch SXH gây tử vong là khó tránh khỏi.
Chưa quyết liệt xử phạt
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, nhận định phường Hiệp Thành từ lâu đã được cảnh báo là điểm nguy cơ gây SXH và bệnh do virus Zika. Dù vậy, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, trong khi chính quyền địa phương cũng thừa nhận gặp khó khăn trong việc tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh SXH.
Theo lãnh đạo UBND phường Hiệp Thành, trên địa bàn này, đặc biệt tại khu phố 7, việc vận động nhắc nhở, đôn đốc người dân thực hiện vệ sinh môi trường gặp khó khăn. Sau khi xảy ra ca tử vong, các tổ chức đoàn thể đã thành lập 10 nhóm tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không hợp tác. Ông Bùi Văn Quí, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 12, cho biết cán bộ các khu phố thường vận động người dân đổ bỏ các vật chứa có thể phát sinh lăng quăng nhưng nhiều người không nghe, chỉ trông chờ phun hóa chất diệt muỗi. Việc xử phạt các hành vi vi phạm làm chưa quyết liệt.
Thêm bệnh mùa nóng đe dọa
Ở thời điểm nắng nóng này, nếu như dịch bệnh SXH đe dọa người dân quận 12 thì các loại dịch bệnh khác đang là mối nguy cho trẻ em trên địa bàn TP. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày thường trung bình tiếp nhận khoảng 4.500-5.000 lượt trẻ đến khám chữa bệnh thì vào thời điểm hiện nay, số bệnh nhi có thể lên đến 6.000 em/ngày.
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, vào mùa nắng nóng, trẻ rất dễ mắc bệnh về hô hấp (chiếm 20%-30% các ca bệnh mùa nóng). Bệnh này chủ yếu do siêu vi hoặc phế cầu gây ra. Các trường hợp nghiêm trọng do phế cầu có thể dẫn đến viêm tai giữa với các triệu chứng ban đầu như sổ mũi, hắt hơi, sau đó chuyển sang sốt cao, đau tai, vài ngày sau sẽ xuất hiện mủ. Thông thường, các bệnh do nhiễm phế cầu ở trẻ có thể dẫn đến viêm phổi, đặc biệt ở các bé suy dinh dưỡng.
Giới chuyên môn khuyến cáo vào các tháng 4 và 5, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 38-39 độ C và đây là thời điểm tốt nhất cho các vi khuẩn, vi trùng gây bệnh phát triển, dẫn đến một số bệnh thường gặp như: tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp), hô hấp, thủy đậu. Đặc biệt, từ 10 giờ đến 15 giờ trong ngày là khoảng thời gian tia cực tím sản sinh nhiều nhất, gây độc hại cho cơ thể. Các tia này làm mất nước, tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng chuyển hóa, giảm sức đề kháng khiến trẻ mau mệt, mau kiệt sức và dễ mắc bệnh. Đối với trẻ nhỏ, khi cơ thể không điều hòa kịp với nhiệt độ môi trường, có trường hợp gây sảng nhiệt, mất ý thức, co giật, hôn mê. Trong trường hợp này, phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Đứng trước nguy cơ cao bùng phát SXH gây chết người, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, đề nghị các địa phương cần xem xét lại cách truyền thông, đồng thời giám sát chặt chẽ việc xử lý vệ sinh môi trường của người dân, có biện pháp mạnh đối với các trường hợp để phát sinh ổ lăng quăng, ổ dịch SXH trên địa bàn. “Ngành y tế sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan, quyết liệt xử lý đối với các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường tạo ra các ổ chứa lăng quăng hoặc thờ ơ trong công tác phòng chống, tiếp tay cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh” - ông Hưng khẳng định.
Cho trẻ uống đủ nước
Để phòng ngừa các bệnh trên, phụ huynh nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tạo môi trường thông thoáng, giúp trẻ vệ sinh tay chân hằng ngày bằng xà phòng, không cho trẻ bỏ tay vào miệng. Với những trẻ đã từng bị bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên vệ sinh cả đồ chơi cho trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn. Đối với các bệnh có tiêm chủng phòng ngừa như thủy đậu, khi trẻ được 1 tuổi, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa. Cần lưu ý, phụ huynh không nên đắp lá cây dược liệu lên các vết thương hở cho bé để tránh nhiễm trùng, thậm chí không dùng phấn thoa hay thuốc bôi dưỡng ẩm cho trẻ. Thường xuyên lau mồ hôi và cho trẻ uống đủ nước để giữ ẩm cơ thể.
Bình luận (0)