Sự xuất hiện trầm cảm trên bệnh nhân Parkinson là do đâu?
- Bác sĩ Lê Quốc
+ Do nguyên nhân tâm lý: Trầm cảm là kết quả bình thường của phản ứng tâm lý của bệnh nhân đối với một cơn bệnh mạn tính và làm tàn phế. Bệnh nhân Parkinson rất nản lòng vì các triệu chứng cứng cơ, vận động chậm chạp và run gây cho họ khó khăn trong việc thực hiện các động tác đơn giản. Run có thể làm bệnh nhân lúng túng.Việc đi lại bất thường và tư thế cúi gập có thể làm bệnh nhân bị giới hạn trong các hoạt động xã hội. Từ đó bệnh nhân trở nên cách ly xã hội và càng cảm thấy chán nản hơn.
+ Do nguyên nhân sinh học nội sinh: Nếu so sánh với những bệnh nhân bị các bệnh mạn tính gây tàn phế khác (viêm khớp) thì xuất độ và độ nặng của rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân Parkinson sẻ cao hơn. Khoảng 25% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm ngay cả trước khi xuất hiện các triệu chứng vận động, và việc độ nặng của trầm cảm không liên quan đến mức độ tàn phế của bệnh nhân.
+ Ngoài ra cũng có thể do thuốc.
Ngoài việc uống thuốc, có biện pháp nào để bệnh nhân tự điều trị?
Một trong những biện pháp điều trị trầm cảm ở bệnh Parkinson là lập một kế hoạch hoạt động gồm những công việc đơn giản (hoạt động là liều thuốc chống trầm cảm tự nhiên). Luôn bắt đầu với những công việc nhỏ và tăng dần độ phức tạp lên. Mục tiêu đặt ra phải thực tế, không được đặt mục tiêu quá cao để tránh thất bại. Phải đặt giới hạn thời gian cho việc thực hiện mục tiêu và đánh giá kết quả. Thí dụ: Gặp gỡ bạn mới trong tháng này. Vận động 20 phút 3 lần/ tuần. Đọc một cuốn sách mới về một chủ đề mới trong tháng này.......
Chú ý lôi kéo bệnh nhân vào các hoạt động xã hội và cải thiện nhận thức của những người xung quanh bệnh nhân về bệnh Parkinson để họ có thể giúp đỡ bệnh nhân đạt hiệu quả hơn.
Còn đối với sa sút tâm thần, thưa ông?
Sa sút tâm thần xuất hiện trong 30-60% trường hợp bệnh Parkinson. Trong một nghiên cứu người ta thấy tần suất sa sút tâm thần ở những người hiện vẫn còn sống là gần 60% và khoảng 85% trường hợp sa sút tâm thần được phát hiện vào thời điểm bệnh nhân Parkinson tử vong. Vì 50% trong số họ khi mới tham gia vào công trình nghiên cứu này có chức năng nhận thức nguyên vẹn và sau đó trở nên sa sút tâm thần vào 2 năm cuối đời. Điều này có thể gợi ý rằng sa sút tâm thần là sự kiện báo hiệu sự sắp kết thúc của bệnh Parkinson.
Hiện tượng nào để nhận ra người bệnh Parkinson bị sa sút tâm thần?
Khởi đầu với hiện tượng giảm sút sự quan tâm và sau đó thể hiện ở:
- Giảm sút sáng kiến trong các hoạt động xã hội, cơ thể và trí tuệ.
- Chuyển giao các trách nhiệm về việc trả tiền các loại hóa đơn, thuế, quản lý nhà cửa,... cho chồng hay vợ.
- Tăng thời gian ngủ ban ngày và tối.
- Giao tiếp khó khăn và nói ít hơn.
- Trí nhớ giảm và có khuynh hướng mất tính liên tục trong suy nghĩ ở giữa câu.
- Bệnh nhân trở nên nhạy cảm với các thuốc hướng thần và khi dùng chúng thì dễ bị mê sảng. Bệnh nhân cũng thường khó dung nạp với các thuốc gây mê toàn thânvà có thể trở nên lú lẫn sau khi mổ vài ngày hay vài tuần.
- Khi thay đổi môi trường sống bệnh nhân thường bị lo âu và lú lẫn.
- Bệnh nhân thường thực hiện kém hơn người bình thường ở các trắc nghiệm về ngôn ngữ, về trí nhớ bằng lời (verbal memory) và về các kỹ năng thị giác - không gian (visunal spatoal skills).
Như vậy bệnh nhân nên đến bác sĩ thần kinh hay bác sĩ tâm thần để điều trị?
Parkinson là một bệnh mạn tính, có nhiều biến chứng tâm thần, có thể làm bệnh nhân tàn phế về mặt xã hội và và có thể gây nhiều phản ứng tâm lý tiêu cực ở cả bản thân bệnh nhân và những thành viên chung quanh bệnh nhân. Do đó việc điều trị cần phải toàn diện và bao gồm một nhóm gồm bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý, các nhân viên xã hội. Ngoài ra sự giáo dục các thành viên chung quanh bệnh nhân để họ hiểu rõ về căn bệnh này và tạo điều kiện cho họ có tác động tích cực đến bệnh nhân về mặt tinh thần cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Bình luận (0)