Cấy ghép tử cung
Các bác sĩ Bệnh viên Cleveland Clinic (Mỹ) công bố họ sẽ sớm thực hiện ca cấy ghép tử cung cho 10 phụ nữ, trong đó có những người không có tử cung hoặc tử cung không hoạt động. Nếu thành công, ca cấy ghép này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực phẫu thuật ở Mỹ.
Trước đây, quy trình này đã được thực hiện 9 lần ở Thụy Điển và rất thành công.
Quy trình phẫu thuật này khá phức tạp và bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép trong khi mang thai. Tuy nhiên, với những phụ nữ muốn có con thì hình thức phẫu thuật này rất đáng thực hiện.
Cấy ghép khuôn mặt
Trong quy trình cấy ghép này, toàn bộ hoặc một phần khuôn mặt của bệnh nhân sẽ bị loại bỏ và được thay thế bằng mô từ một tử thi. Thậm chí, người ta còn có thể thực hiện cấy ghép mỡ, gân, sụn, dây thần kinh, mạch máu, xương, cơ bắp.
Ca cấy ghép một phần khuôn mặt đầu tiên trên thế giới được thực hiện ở Pháp vào năm 2005, còn ca cấy ghép toàn bộ đầu tiên được thực hiện thành công ở Tây Ban Nha năm 2010. Mới đây, Patrick Hardison – một cựu lính cứu hỏa bị phỏng khi làm nhiệm vụ - cũng đã trải qua ca cấy ghép khuôn mặt lớn nhất từ trước đến nay. Trong ca cấy ghép này, một nhóm bác sĩ tại Bệnh viện NYU Langone Medical Center, New York - Mỹ đã tiến hành phẫu thuật kéo dài 26 giờ để thay thế toàn bộ da đầu, tai, mí mắt cho Hardison.
Cấy ghép khuôn mặt không những cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh mà còn giúp tăng cường các chức năng khác của họ như thị lực, khả năng nói, nhai, nuốt và thở bằng mũi.
Cấy ghép tay
Ca cấy ghép tay thành công đầu tiên được thực hiện ở Lyon - Pháp vào năm 1998. Mới đây, mùa hè năm 2015, tại Bệnh viện Nhi của Philadelphia - Mỹ đã diễn ra ca cấy ghép tay đầu tiên trên thế giới cho trẻ em. Trước đó, bé Zion Harvey (8 tuổi) đã phải cắt cụt bàn tay và cánh tay do nhiễm trùng nghiêm trọng. Ca cấy ghép này cần đến một nhóm 40 bác sĩ, y tá và nhân viên từ các khoa phẫu thuật thẩm mỹ, giải phẫu, phẫu thuật chỉnh hình, gây mê và chụp X-quang thực hiện.
Phẫu thuật cấy ghép tay kéo dài 8-12 giờ. Các bác sĩ sẽ lần lượt ghép các xương, dây chằng, mạch máu, dây thần kinh và da cho bệnh nhân.
Cấy ghép ruột
Cấy ghép ruột là hình thức ghép tạng hiếm nhất và nó được sử dụng như phương pháp cuối cùng để điều trị các trường hợp suy ruột cấp tính - xảy ra do ít nhất một nửa ruột non bị cắt bỏ.
Ruột được đem đi cấy ghép thường do người đã chết hiến tặng. Tuy nhiên, người còn sống cũng có thể hiến một phần ruột cho người khác.
Ca cấy ghép ruột thành công đầu tiên là ở Đức năm 1988 nhưng quy trình phẫu thuật ngày càng phổ biến khi thuốc chống thải ghép và các kỹ thuật phẫu thuật ngày càng tiến bộ.
Cấy ghép phân
Kỹ thuật này được tiến hành ở những người bị nhiễm khuẩn Clostridium Difficile. Đây là dạng nhiễm trùng ruột khó chữa vì các vi khuẩn xấu sinh sôi với tốc độ nhanh trong đại tràng và có thể dẫn đến tiêu chảy gây tử vong. Cấy ghép phân sẽ giúp điều trị thành công bệnh nhiễm trùng này đến 90%.
Trong khi cấy ghép, phân từ người hiến khỏe mạnh sẽ được cấy vào ruột của người bệnh. Các nhà khoa học tin rằng bằng cách này sẽ có thể tăng lợi khuẩn trong ruột.
Ca cấy ghép phân đầu tiên là ở Trung Quốc vào thế kỷ IV. Ngày nay, cấy ghép phân được xem là cách điều trị Hội chứng Ruột Kích thích, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Bình luận (0)