Giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường (ĐTĐ) Việt Nam, cho biết nhiều người thường có quan niệm bệnh ĐTĐ là bệnh của “nhà giàu” hay bệnh của “phương Tây” bởi rất nhiều người mắc bệnh có điều kiện về kinh tế, dẫn tới việc ăn uống bất hợp lý, ăn nhiều chất đạm và đồ ngọt. Thế nhưng, các thống kê cho thấy số người mắc ĐTĐ ở Việt Nam đang tăng nhanh ở nhiều đối tượng khác nhau với chi phí điều trị rất tốn kém. Đặc biệt, tỉ lệ mắc bệnh này cũng tăng nhanh ở khu vực nông thôn, miền núi. Hiện ĐTĐ là một trong 4 bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam quan tâm nhất, ngoài bệnh tim mạch, ung thư và tâm thần.
Tăng nhanh nhất thế giới
Giới chuyên môn cảnh báo dù được xem là bệnh của người lớn nhưng ghi nhận tại một số BV, không ít trẻ em mới 5 - 10 tuổi, thậm chí 2 tháng tuổi, cũng mắc ĐTĐ type 2. Chỉ riêng tại BV Nhi Trung ương, hiện có gần 300 bệnh nhi bị ĐTĐ phải điều trị, trong đó khoảng 20 trường hợp là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đây cũng được xem là những trường hợp rối loạn đường huyết hiếm gặp và rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, do chủ quan, nghĩ ĐTĐ chỉ tập trung ở người lớn nên gần như các trẻ khi mắc hoặc có biểu hiện của bệnh này đều bị bỏ qua. “Rất nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ thông báo con họ mắc căn bệnh không lây nhiễm này” - bác sĩ Vinh nói.
Sai lầm trong điều trị
Lý giải về tốc độ gia tăng bệnh nhanh chóng người bệnh ĐTĐ, theo nhiều bác sĩ nội tiết, là do người Việt thay đổi nhanh về lối sống, thành phần bữa ăn theo hướng mỡ hóa, đạm hóa. “Thói quen ăn nhiều đường, thực phẩm giàu chất béo, tiệc tùng, ăn nhậu nhiều nhưng lại lười vận động, stress kéo dài… là những yếu tố khiến bệnh gia tăng nhanh. Đáng nói là do nhận thức về bệnh chưa tốt nên kể cả khi đã có chỉ định điều trị không ít trường hợp thấy bệnh ổn định, sinh hoạt bình thường đã bỏ dở điều trị, lơ là kiểm soát đường huyết. Đây chính là lý do khiến tình trạng ĐTĐ khó kiểm soát hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, gây tàn phế, thậm chí là tử vong. Có tới 60%-70% các biến chứng xuất hiện sau 3-5 năm mắc bệnh” - PGS-TS Đỗ Trung Quân lo ngại.
Trước một số thông tin thức ăn chay có thể chữa bệnh ĐTĐ, GS Nguyễn Thy Khuê khẳng định thức ăn chay không phải là thuốc nên không thể thay thuốc chữa bệnh. Hơn nữa, khi ăn chay, cơ thể có nguy cơ thiếu một số chất vi lượng cần thiết như vitamin B12, vitamin D, canxi, sắt và kẽm… làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Theo PGS-TS Quân, những người thường xuyên ăn chay như các nhà sư thì tỉ lệ mắc ĐTĐ cũng khá cao. “Chế độ ăn chay không phải dành cho bệnh nhân ĐTĐ mà quan trọng là dinh dưỡng hợp lý, giàu chất xơ, tăng cường vận động và kiểm soát tốt đường huyết” - ông Quân khẳng định.
Học cách chung sống với bệnh Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, khi cơ thể có biểu hiện như thường xuyên khát nước, nhanh đói, sụt cân nhanh, đi tiểu nhiều hoặc có thể bắt gặp nước tiểu bị kiến bu, người mệt mỏi, thị lực giảm, vết thương lâu lành, da mẩn ngứa…, cần nghĩ đến bệnh ĐTĐ và nên đi thử đường huyết. ĐTĐ tiến triển theo thời gian và người bệnh cần phải sống chung “hòa bình” với bệnh, hiểu biết về bệnh để hợp tác cùng thầy thuốc nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Hiện một số nhóm thuốc mới điều trị ĐTĐ đã có mặt ở Việt Nam nhưng quan trọng nhất vẫn là người bệnh tự điều chỉnh lối sống và dinh dưỡng hợp lý. |
Bình luận (0)