icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

6% các túi máu hiến phải hủy do cách lấy máu không khoa học!

Lương Duy Cường thực hiện

Trong hai ngày 16 và 17-6, Bộ Y tế và Ban Điều hành dự án Trung tâm Truyền máu Trung ương đã tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện dự án Trung tâm Truyền máu khu vực Chợ Rẫy (Báo NLĐ ngày 17-6 đã đưa tin). Nhân dịp này, phóng viên Báo NLĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu, giám đốc dự án Trung tâm Truyền máu Trung ương, về một số vấn đề liên quan đến việc nhận máu hiến và nhu cầu truyền máu.

. Phóng viên: Thưa ông, phong trào hiến máu trong những năm qua đã phát triển rất mạnh, nhưng dư luận cho rằng hiện phong trào đang xuất hiện tình trạng “lấy máu người yếu truyền cho người mạnh”?

- PGS-TS Nguyễn Anh Trí: Dư luận có cơ sở chứ không phải không. Trong hơn 10 năm triển khai vận động hiến máu nhân đạo, phong trào thu được nhiều kết quả tốt như số lượng người tham gia hiến ngày càng đông. Năm 2002 toàn quốc thu được 298.000 đơn vị máu hiến, so 1992 thì tăng gấp 3 lần, có nơi như ở viện chúng tôi thì tăng gấp 12 lần. Kết quả này là cơ sở quan trọng để Chính phủ phê duyệt các chương trình, dự án về an toàn truyền máu và sản xuất các chế phẩm máu. Nhưng nhìn kỹ lại phong trào thì số người hiến chủ yếu vẫn là sinh viên - học sinh các trường chuyên nghiệp. Điều này rất tốt ở giai đoạn đầu của phong trào. Tuy nhiên, đây là đối tượng hầu hết thu nhập thấp, đặc biệt con em nông thôn đi học. Bởi vậy đã có những sinh viên từ hiến máu theo phong trào đã trở thành người hiến máu bán chuyên nghiệp, thậm chí chuyên nghiệp. Sau khi hiến máu nhiều lần, có người không dùng tiền bồi dưỡng vào đúng mục đích, mà đem mua sách vở, tài liệu, sinh hoạt khác v.v... khiến cho sức khỏe của họ, những trí thức trẻ trong tương lai gần của đất nước, bị ảnh hưởng. Ngoài ra phong trào cũng nảy sinh một số vấn đề khác như việc thu gom máu không qua sàng lọc sơ bộ làm cho một số đối tượng lẽ ra chúng ta không nên nhận máu hiến của họ mà vẫn cứ lấy.

. Ý ông muốn đề cập đến tình trạng thu gom máu chạy theo phong trào?

- Cũng không hẳn vậy, nhưng thế này: Nhiều nơi khi gom máu, nhất là ở các điểm lưu động, thay vì bắt đầu từ khám lâm sàng và làm xét nghiệm cần thiết như phân tích nhóm máu, viêm gan B, định lượng huyết sắc tố v.v... thì lại tiến hành theo cách không khoa học và rất day dứt lương tâm là cứ lấy máu hiến trước rồi mới đưa về sàng lọc. Trình tự này dẫn đến hậu quả trên dưới 6% các túi máu phải bị hủy, tỉ lệ này là rất cao, và không đảm bảo an toàn truyền máu cho chính người hiến và cả người gom. Các bạn sẽ nghĩ như thế nào khi một người đi hiến máu mà người đó có HbsAg dương tính và viêm gan đang ở giai đoạn tiến triển mà vẫn bị lấy đi một phần máu? Tất nhiên ở đây còn có lý do như thiếu máy móc, thuốc thử v.v.. nhưng thực tế đã có những nơi làm rất tốt như Bệnh viện (BV) 19-8 - Bộ Công an, BV tỉnh Phú Yên. Đã có nơi làm tốt thì chúng ta sẽ nhân phong trào, phải quyết  tâm sửa chữa vì lợi ích của người hiến máu, vì sự an toàn cho người gom máu và tránh lãng phí. Bởi trên thực tế đại bộ phận người đi hiến máu thực sự muốn làm việc thiện, tha thiết muốn san sẻ máu cứu người bệnh hiểm nghèo, không vì tiền, thậm chí rất khó chịu khi phải nhận một số tiền bồi dưỡng, nhưng họ sẽ rất an tâm, rất hài lòng nếu biết được thông tin về sức khỏe của mình, như thuộc nhóm máu gì, có bị viêm gan không?

. Còn về việc sử dụng máu. Vì sao “cứu người như cứu hỏa”, thế nhưng trong định hướng xây dựng phong trào hiến máu nhân đạo phát triển bền vững do ông đưa ra, lại đặt vấn đề hạn chế tối đa và đi đến chấm dứt việc lấy máu và lưu trữ máu ở BV cấp huyện, thậm chí cả BV tỉnh?

- Ở đây cần phải nói thẳng với nhau là hiện nay ở tuyến BV huyện, thậm chí ở BV tỉnh hầu như chưa có đủ phương tiện, nhất là đội ngũ kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và an toàn trong việc lấy máu và lưu trữ máu. Mà Nhà nước thì không thể có điều kiện để đầu tư dàn trải. Vì vậy, định hướng vạch ra sẽ phải là tập trung xây dựng các trung tâm truyền máu khu vực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay chúng ta đang triển khai theo hướng này và cụ thể là đang triển khai hoạt động 4 trung tâm ở Hà Nội, Huế, TPHCM và Cần Thơ. Đối với tuyến BV huyện, kể cả BV tỉnh, ở những nơi có nhu cầu truyền máu ít thì sẽ đi dần đến chấm dứt việc lấy máu và lưu trữ máu, chuyển thành đơn vị sử dụng máu. Cụ thể là họ chỉ nhận nguồn máu đã xử lý từ các trung tâm để sử dụng.

. Xin cảm ơn ông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo