Nhiệt miệng
Nguyên nhân gây những vết loét khó chịu này có thể là do cơ chế tự miễn trong cơ thể, stress, hoặc tổn thương trong khoang miệng. Vết nhiệt thường xuất hiện bên trong má, môi và có thể thường xuyên lặp lại. Có thể sử dụng thuốc để khắc phục tình trạng này nhưng chúng thường không thể giải quyết cùng lúc tất cả các vấn đề. Thông thường, thuốc chỉ có tác dụng giảm đau hoặc giảm viêm. Hãy đọc trước công dụng của các loại thuốc để xem loại nào phù hợp nhất với bạn.
Rộp môi
Rộp môi thường xảy ra khi bạn uống nước quá nóng. Cũng như những vết nhiệt miệng, để làm dịu vết rộp, bạn có thể sử dụng nước súc miệng sát khuẩn để làm sạch vết rộp và tránh nhiễm trùng.
Khô miệng
Thông thường, tuyến nước bọt luôn đảm bảo độ ẩm nhất định trong khoang miệng. Nếu bạn cảm thấy miệng khô hơn bình thường và các vùng da khác (như vùng da quanh mắt) cũng trở nên khô hơn, bạn nên tới gặp bác sĩ để đảm bảo đây không phải là dấu hiệu của căn bệnh nào đó.
Các đốm nhỏ xuất hiện trên lưỡi
Trên bề mặt lưỡi có các chồi vị giác và nhú lưỡi. Khi thức ăn đọng lại trên bề mặt lưỡi sẽ gây tắc và khiến nhú lưỡi bị viêm. Từ đó, xuất hiện các đốm nhỏ gây đau rát. Cách đơn giản nhất để giải quyết tình trạng này là sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn và dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng để giữ vệ sinh lưỡi.
Hơi thở có mùi
Khoang miệng của chúng ta chứa hàng triệu vi khuẩn. Vào ban đêm, khi tuyến nước bọt hoạt động ít hơn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra mùi hôi. Hơn nữa, khô miệng cũng có thể khiến cho hơi thở có mùi. Nước súc miệng có thể giúp cải thiện tình hình tạm thời, nhưng nếu hơi thở của bạn luôn trong tình trạng có mùi hôi khó chịu, bạn nên tới gặp bác sĩ nha khoa và đừng quên làm vệ sinh lưỡi.
Vàng răng
Một số loại đồ uống như trà, cà phê và rượu có thể ảnh hưởng tới lớp men răng của bạn. Hơn nữa, đồ ăn thừa sẽ tạo thành các mảng bám trên răng. Đánh răng có thể loại bỏ các phần thức ăn thừa nhưng không thể làm sạch cao răng. Có rất nhiều sản phẩm làm trắng răng trên thị thường, tuy nhiên bạn nên tới phòng khám nha khoa để lấy cao răng và làm vệ sinh răng miệng trước khi làm trắng răng để đạt hiệu quả cao nhất.
Chảy máu chân răng
Chảy máu chân răng thường liên quan đến vấn đề vệ sinh răng miệng và sâu răng, khiến cho chân răng bị nhiễm trùng. Để tránh tình trạng này, khi đánh răng, bạn nên chú ý làm vệ sinh cả phần nướu và chân răng, bởi nếu khu vực giữa răng và hàm này không được giữ vệ sinh, các mạch máu ở đây sẽ trở nên to hơn và nhạy cảm hơn, từ đó gây chảy máu khi bị kích ứng. Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất sau vài ngày khi bạn chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Tuy nhiên, nếu như chân răng vẫn tiếp tục chảy máu ngay cả khi bạn đã chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn nên tới gặp bác sĩ nha khoa bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh tật.
Ê răng
Nguyên nhân gây ê răng có thể là do lớp men răng bên ngoài bị bào mòn hoặc chân răng bị lộ ra ngoài do tụt nướu. Bạn có thể tham khảo các loại kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm trên thị thường hoặc tới gặp nha sĩ để khắc phục tình trạng chân răng bị lộ ra ngoài.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!