Sáng 3-1, Phòng khám Bác sĩ gia đình thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã khánh thành Đơn vị Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, được xây dựng ngay trong khuôn viên trường. Hiện nay, 30 bé đã đăng ký nhập học.
Một giờ vừa học vừa chơi
Chương trình học 3 ngày/tuần dành cho trẻ tự kỷ, bao gồm các hoạt động như một lớp mầm non thông thường được lồng ghép các bước can thiệp y khoa, nhằm giúp trẻ đủ tiêu chuẩn nhập học các trường tiểu học bình thường, học và hòa nhập cùng các bạn không mắc tự kỷ mà không phải nhờ sự trợ giúp đặc biệt nào khác.
Tại buổi học sáng 1-3, ngoài học chương trình tiếng Việt lớp 1 đặc biệt được biên soạn riêng phù hợp với trẻ tự kỷ bởi bà Nguyễn Thị Ly Kha, người biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 cho trẻ bình thường, trẻ còn được tham gia nhiều trò chơi mang tính trị liệu, dạy vệ sinh cá nhân, đi siêu thị mua hàng…
Các em bé tham gia trò chơi vận động lồng ghép với chương trình can thiệp
Theo cử nhân Hoàng Văn Quyên, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành viên đội ngũ sáng lập Đơn vị Can thiệp sớm tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đơn vị mới thành lập được áp dụng mô hình Việt hóa từ Úc do ông và các đồng nghiệp xây dựng, phối hợp nhiều chuyên khoa, trong đó âm ngữ trị liệu được đầu tư kỹ nhất.
Âm ngữ trị liệu giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, chìa khóa để bé có thể hòa nhập và vào học một ngôi trường bình thường, không phải phụ thuộc giáo dục đặc biệt nữa. Được học trường bình thường là bước đầu tiên giúp bé có cuộc sống hòa nhập với mọi người về sau.
Một giờ can thiệp nhóm
Mô hình trên cũng là mô hình được ông Quyên và các đồng nghiệp áp dụng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 suốt 3 năm qua. Trong 3 năm đó, 350 bé đã tham gia chương trình và hầu hết đã được nhập học trường bình thường, chỉ có 9 em bị rối loạn quá nặng chưa đủ tiêu chuẩn để học trường bình thường.
Ngay trong quá trình can thiệp, hầu hết các bé cũng được yêu cầu học ở một trường mầm non bình thường trong 3 ngày không tham gia lớp can thiệp mỗi tuần (các bé chỉ học lớp can thiệp thứ 2-4-6 hoặc 3-5-7).
Bé trai này được can thiệp cá nhân thông qua một trò chơi phát triển ngôn ngữ mà em vừa đem về từ giờ học mua hàng trong siêu thị.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên hiệu trưởng nhà trường, cố vấn chuyên môn cho Đơn vị Can thiệp sớm, trước hết, trẻ phải được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa xem có đúng là tự kỷ hay là một rối loạn nào khác. Việc can thiệp cần có sự phối hợp nhiều chuyên khoa: vật lý trị liệu để điều trị về tâm vận động; hoạt động trị liệu để dạy các em về những điều bình thường cần làm trong cuộc sống; âm ngữ trị liệu can thiệp về ngôn ngữ và giao tiếp…
Bình luận (0)