Ngày 20-7, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh được cho là chụp lại facebook cá nhân của cô gái tên N.T.N "khoe" mới được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nhờ mối quan hệ với "người anh" làm lãnh đạo tại Bệnh viện Đa khoa X. (Hà Nội).
Cụ thể, thông tin trên trang Facebook cá nhân của người này viết có đoạn "Thế rồi nhân duyên đặc biệt... Có người anh vừa tài giỏi xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm mà có tấm lòng nhân ái, lo sức khỏe cho những người xung quanh. Người anh là TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa X., Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội vô tình hỏi: Cô đã tiêm vắc-xin chưa? Thế rồi trao đổi qua lại và mình quyết định gửi thông tin để người anh đăng ký và hôm nay mình chính thức đã tiêm vắc-xin”- chị N. viết.
Trên dòng chia sẻ của mình, chị N. nói rõ tiêm vắc-xin tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hoá, Bệnh viện Xanh Pôn vào ngày 15-7, được các bác sĩ tại đây giải thích cặn kẽ. Trước khi tiêm, chị N. khai báo y tế, điền phiếu tiêm chủng, đo huyết áp, tim mạch.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa X., Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (nhân vật được nhắc đến trong chia sẻ của cô gái N.T.N trên facebook), xác nhận đúng là có chuyện cô gái kể trên đã được tiêm vắc-xin tại Bệnh viện X.
Ông Tùng cho biết cô N. là cộng tác viên và làm truyền thông cho Trung tâm, thường quảng bá hình ảnh cho Trung tâm. "Do các cộng tác viên thường xuyên qua lại với Trung tâm, nguy cơ lây nhiễm cao trong thời điểm dịch này nên bệnh viện phải lập danh sách tiêm chủng để đảm bảo an toàn cũng giống như các trường hợp là bảo vệ khác"- ông Tùng giải thích,
Theo ông Tùng, "tại bệnh viện đội ngũ bảo vệ, phục vụ vệ sinh dù không phải nhân sự của Trung tâm nhưng chúng tôi cũng đề nghị cho họ được tiêm chủng vì nguy cơ lây nhiễm cao trong các cơ sở y tế".
Được biết, chị N. là Á hậu doanh nhân quốc tế năm 2019, kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, tổ chức sự kiện.
Trước đó, những ngày qua dư luân cũng xôn xao trường hợp hoa khôi báo chí năm 2016 có tên V.P.A. (ở Hà Nội) được tiêm vắc-xin Covid-19 Pfizer tại Bệnh viện Hữu Nghị nhờ “ông ngoại”. Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng việc cô gái này được tiêm vắc-xin Covid-19 nhờ các mối quan hệ là không thể chấp nhận được.
Liên quan sự việc này, lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị cũng khẳng định đây là trường hợp hi hữu, lần đầu tiên xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị. Bệnh viện sẽ có hướng xử lý với người liên quan trong thời gian tới.
16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 1-1
Việt Nam tiêm vắc-xin Covid-19 cho người trên 18 tuổi và cả người trên 65 tuổi. Mục tiêu bao phủ 70- 90% mũi tiêm cho các nhóm đối tượng có chỉ định tiêm. Đặc biệt, Việt Nam ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.
Cụ thể, có 16 nhóm được ưu tiên, bao gồm:
1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân
2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…)
3. Lực lượng quân đội
4. Lực lượng công an
5. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước
8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc nhiều người.
9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi
10. Người sinh sống tại các vùng dịch
11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội
12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam
13. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế…, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo
15. Người lao động tự do
16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc-xin.
Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.
Bình luận (0)