Theo tiến sĩ Trần Đáng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quá trình bảo quản các loại như đậu phộng, bắp, một số hạt có dầu, lúa mì, gạo, khoai mì, sữa v.v... không đảm bảo thường dẫn đến tình trạng sinh nấm mốc. Những nấm mốc ấy sẽ sinh ra một loại độc tố vi nấm có tên là Aflatoxin B1. Loại độc tố này tích lũy trong cơ thể người và gia súc, là nguồn nguy cơ cao gây ra ung thư gan.
Đồ ăn chay cũng nhiễm?
Để đánh giá mức độ xuất hiện của Aflatoxin B1 trong thực tế, Viện Vệ sinh Y tế công cộng tại TPHCM đã tiến hành xem xét mẫu thực phẩm lưu hành trên thị trường hoặc do các công ty và cơ sở chế biến mang tới đăng ký kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong 115 mẫu (gồm sản phẩm chế biến từ đậu phộng như đậu phộng da cá, kẹo đậu phộng v.v...; nước tương làm từ đậu nành; đồ hộp chay làm từ các loại đậu và bột mì; cà phê; thức ăn gia súc) thì Aflatoxin B1 có trong 30% mẫu cà phê; 42,9% mẫu nước tương; 66,7% mẫu đồ hộp chay; 68,2% mẫu đậu phộng và sản phẩm từ đậu phộng. Đặc biệt, Aflatoxin B1 có với tỉ lệ cao trong 94,6% mẫu thức ăn gia súc. Như vậy, cứ trung bình 3 mẫu thử nghiệm chung cho các loại thì một mẫu có độc tố Aflatoxin B1. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn cho phép thì chỉ riêng các mẫu nước tương tuy 42,9% có Aflatoxin B1 nhưng đều chỉ ở mức 1,87 – 5,90 ppb (tiêu chuẩn cho phép là 10ppb) còn trong các mẫu khác hầu hết đều có Aflatoxin B1 với hàm lượng rất cao. Cá biệt có những mẫu chứa 140 đến 300 ppb. Với tỉ lệ và hàm lượng đã nêu, các bác sĩ của Viện Vệ sinh Y tế công cộng kết luận: “Tuy trước mắt không gây hại rõ rệt cho người sử dụng, nhưng việc tích lũy lâu dài trong quá trình sống và sử dụng thực phẩm sẽ khiến gia tăng số người mắc và chết do ung thư gan vì nguyên nhân độc tố Aflatoxin B1”.
83,3% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát có Aflatoxin B1 trong gan
Kết quả từ một nghiên cứu gần đây về các “yếu tố nguy cơ gây ung thư gan nguyên phát” của nhóm tác giả Bùi Thị Thanh Hà (Bệnh viện Hữu Nghị), Phan Thị Kim (Bộ Y tế), Phạm Thị Thu Hồ (Trường Đại học Y Hà Nội) đã cho thấy có Aflatoxin B1 trong tổ chức gan của 83,3% số bệnh nhân ung thư gan nguyên phát (UTGNP) đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị; 17% bệnh nhân có cùng lúc 2 yếu tố Aflatoxin B1 + viêm gan vi rút; 13% mang cùng lúc ba yếu tố Aflatoxin B1 + rượu + thuốc lá. Các tác giả nhận định:“Tỉ lệ Aflatoxin B1 trong tổ chức gan của 83,3% bệnh nhân cho thấy UTGNP ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với nhiễm Aflatoxin B1 qua đường ăn uống” và “Sự phối hợp 3 yếu tố nguy cơ Aflatoxin B1 + rượu + thuốc lá rất có ý nghĩa thống kê vì hầu hết bệnh nhân nghiện rượu đều dùng các loại rượu trắng được nấu từ các loại lương thực thực phẩm như gạo, sắn, ngô v.v… rất dễ nhiễm nấm mốc sinh độc tố Aflatoxin B1. Hơn nữa, đa số người nghiện rượu khi uống lại thường dùng kèm với đậu phộng rang, mà đậu phộng thì rất dễ mốc. Đồng thời Aflatoxin B1 tan trong rượu nên sự hấp thu vào cơ thể dễ dàng hơn”.
BS NGUYỄN THU NGỌC DIỆP – Viện Vệ sinh Y tế công cộng Hiện một số loại thực phẩm nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin B1 vẫn đang được bán cho người sử dụng. Đó là do nhà sản xuất không loại bỏ được các nguyên liệu đã nhiễm vi nấm Aflatoxin B1. Các loại thực phẩm đã bị nhiễm nấm mốc được người dân “tiết kiệm” giữ lại không chịu hủy bỏ mà chuyển sang làm thức ăn cho gia súc. Kết quả phân tích cho thấy 94,6% mẫu thức ăn gia súc có Aflatoxin B1. Điều này hết sức nguy hiểm vì cuối cùng độc tố cũng kết thúc chu trình gây hại của nó ở cơ thể con người. Độc tố Aflatoxin B1 chịu nhiệt, ít bị phân hủy nên khi vào cơ thể gia cầm, gia súc chúng tích lũy trong mô, chủ yếu là mô gan, gây nhiễm độc cho người ăn thịt các loại gia cầm, gia súc này, tạo nên một dây chuyền sinh học của mầm bệnh. Bởi vậy cần bắt buộc kiểm nghiệm độc tố Aflatoxin B1 các loại sản phẩm có nguy cơ cao như các loại đậu và sản phẩm từ đậu v.v... trước khi đưa vào sản xuất thực phẩm cho người và cả thức ăn gia súc. |
Giáo sư CHU PHẠM NGỌC SƠN – Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM Aflatoxin B1 gây ung thư gan là độc chất do một số nấm mốc tiết ra, có thể có trong đậu phộng, bắp , một số hạt có dầu khác, lúa gạo, khoai mì, sữa và các sản phẩm thực phẩm chế biến từ các nguyên liệu này. Nhìn chung hàm lượng Aflatoxin B1 trung bình trong thức ăn gia súc vẫn còn đáng kể vì vẫn còn một số nơi chế biến theo thủ công nghiệp và cách chống ẩm bảo quản thức ăn gia súc ở những nơi bán lẻ vẫn chưa thật hữu hiệu. |
Bình luận (0)