Giao lộ An Dương Vương - Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, TP HCM mỗi khi tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ cũng là lúc hàng chục người dừng lại và phải chịu trận hít khói nồng nặc mùi thịt nướng của hai quán cơm tấm ngay đó.
Tiếp thị... khói
Đứng chờ đèn giao thông tại đây chỉ chừng hơn 10 giây là cả người bị phủ kín khói đen, khói trắng. Hai chung cư gần đó phải thường xuyên đóng chặt cửa để khói không bay vào nhà. Buổi sáng, bầu trời khu vực này lúc nào cũng trắng như đang có sương mù. "Quán để bếp than ra sát giao lộ rồi dùng quạt thổi mạnh ra đường. Lên công ty làm việc mùi thịt ám khắp cơ thể rất khó chịu. Nhiều lần chịu không thấu tôi phải đi đường vòng" - anh Lê Thành Trí - nhân viên một công ty bất động sản tại quận 1, TP HCM - than thở.
Tương tự, một ngôi chùa nằm trên đường Hòa Hảo, phường 2, quận 10, TP HCM nhiều lần liên hệ UBND phường phàn nàn việc mỗi buổi sáng các xe đẩy thực phẩm đậu trước chùa vô tư nướng thịt và mỡ chài thịt bò để bán. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuống thì các xe đẩy kéo nhau đi và lúc sau trở về vị trí cũ. Đại diện nhà chùa cho biết đến trưa Phật tử vào chùa thắp nhang ngửi thấy mùi thịt cứ nghĩ người nhà chùa… ăn mặn.
Đường Phan Văn Hớn đi qua 2 xã Bà Điểm và Xuân Thới Thượng của huyện Hóc Môn dài khoảng 6 km nhưng có gần 30 "ống khói" phả ra từ trưa đến tối của các quán cơm sườn nướng, gà vịt, bò lá lốt nướng… Chỉ một đoạn khoảng 500 m trên đường Phan Văn Hớn (ấp 4 và ấp 5, xã Xuân Thới Thượng) nhưng có đến 4 "ống khói" từ các quán cơm tấm, gà nướng, bò lá lốt nướng; mỗi ngày từ trưa đến tối, các "ống khói" này thay nhau phả khói ra đường, khiến đoạn đường lúc nào cũng mờ mịt như chìm trong sương mù.
Quán ăn trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM để bếp nướng sát vỉa hè và thổi khói mù mịt vào người đi đường (Ảnh: LÊ PHONG)
Chị Thu Hằng (38 tuổi) cho biết mỗi sáng, khi chở con nhỏ qua đoạn đường này, bé ngửi mùi khói là ho sặc sụa, chảy nước mắt. "Đối với thực khách vào quán ăn mùi thịt lại là mùi thơm. Nhưng với chúng tôi là mùi ám ảnh. Không thể để một người kinh doanh mà hàng trăm người phải hít khói độc từ ngày này qua ngày khác được. Nhiều lần nói với chủ quán không nên để khói tỏa khắp nơi thì người này cho rằng nướng trên đất của họ và khói bay lên trời là của chung" - chị Hằng nói.
Trả lời câu hỏi vì sao lại để khói tỏa ra mặt đường, chủ quán cơm tấm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1) thừa nhận không phải vì mặt bằng chật hẹp mà mang lò ra vỉa hè, nhưng đưa thịt ra ngoài nướng sẽ bắt mắt và thu hút khách đến ăn. Đây là cách tiếp thị để nhiều người đi đường chú ý.
Chỉ nhắc nhở
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết hiện nay, mỗi lần độ ẩm tăng cao, bầu trời TP HCM lại xuất hiện màu trắng đục, hiện tượng này được gọi là mù khô. Nguyên nhân của hiện tượng mù khô một phần do khí thải, khói thải và trong đó góp phần không ít là khói từ thực phẩm nướng, khí than. Kết quả đo chất lượng không khí ở những nơi có nhiều cửa hàng ăn uống ghi nhận nồng độ bụi ngưng tụ trong không khí rất cao. Điều này đe dọa đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân.
Ông Phan Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho rằng có tình trạng phả khói từ việc chế biến thực phẩm ra mặt đường. Phường sẽ sớm rà soát các quán ăn có phát sinh khói từ việc nướng thực phẩm, trước mắt sẽ yêu cầu chủ quán lắp hệ thống ống khói, đưa khói lên cao, hạn chế ảnh hưởng người dân xung quanh khu vực. Nếu chủ quán tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân thừa nhận chỉ có những chuỗi thương hiệu kinh doanh của các quán ăn lớn là có đầu tư lắp đặt hệ thống hút khói và xử lý khí thải. Phần lớn những cửa hàng ăn uống nhỏ, lẻ thì ít lưu ý việc này. "Một thiết bị lắp đặt xử lý khí thải từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Với những quán ăn vỉa hè hoặc cửa hàng nhỏ khó mà đầu tư chi phí cao như vậy"- vị lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân nhận xét. Cũng theo vị này, với những trường hợp kinh doanh ảnh hưởng đến cộng đồng thì giải pháp trước mắt là nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều mới tính đến việc xử phạt.
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết hiện nay có rất nhiều hàng quán phả khói trực tiếp ra đường. Rất nhiều quy định đã ban hành để xử lý các trường hợp này. UBND phường, xã hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường đủ thẩm quyền để xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tại Thông tư số 15/2012 quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Quán ăn không có dụng cụ xử lý khói từ lò nướng là chất thải độc hại nên đã vi phạm quy định trên của pháp luật. Thậm chí còn phải xử phạt nặng với hành vi lấn chiếm vỉa hè khi để bàn nướng ra sát mép đường.
Bình luận (0)