Khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đang điều trị cho bệnh nhân Ng.H.N (SN 1993, quê Cần Thơ) do bị phỏng tia lửa điện diện tích 36% cơ thể. Anh N. bị phỏng điện ở mặt, cổ, thân, hai tay và đang được theo dõi ở phòng cách ly đặc biệt.
Tai nạn bất ngờ
Nằm trên giường bệnh, anh N. cho biết ngày 15-6, anh cùng người bạn ra cầu Bình Thủy (TP Cần Thơ) câu cá. Khi cá cắn câu, anh N. dùng sức giật mạnh thì con cá bay lên khỏi mặt nước, dính vào đường dây điện. Lúc này, anh bị tia lửa điện phóng xuống, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, toàn thân đau buốt, cơ thể bị cháy đen do tia lửa điện gây ra.
Suốt 2 tháng qua, anh V.V.T (SN 1977, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vẫn còn ám ảnh khi kể về ngày anh bị hút vào đường điện trung thế trong lúc đang lợp tôn cho một ngôi nhà. Anh T. kể: "Mười năm qua tôi làm thầu xây dựng và luôn dặn mình, dặn thợ phải hết sức cẩn thận khi xây dựng những căn nhà gần đường dây điện. Hôm đó tôi cầm máy hàn lên nóc nhà để làm, bỗng dưng bị "hút" vào đường dây điện trung thế. May mắn là máy hàn phát cháy rồi bình điện nổ nên tôi mới được "nhả" ra". Di chứng của vụ tai nạn khá nặng nề, anh T. bị phỏng toàn thân, trong đó cánh tay phải bị hoại tử nên phải đoạn chi.
Bệnh nhân T.C.H bị đoạn hai tay và chân do phỏng tia lửa điện
Các bác sĩ cho biết những nạn nhân kể trên còn khá may mắn so với rất nhiều trường hợp phỏng tia lửa điện khác đã và đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp của anh T.C.H (SN 1987, ngụ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một tai nạn khá thương tâm khiến nạn nhân rơi vào khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Đã nhiều tháng trôi qua sau vụ phỏng điện, anh H. vẫn rơm rớm nước mắt khi kể về ngày định mệnh khiến anh phải mất hai tay và một chân. Dù cho rằng tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng anh H. thừa nhận mọi tai nạn đến từ sự chủ quan của con người. "Nếu hôm đó tôi mang găng tay chống điện, mang đồ bảo hộ, có lẽ bây giờ tôi đã không bị tàn phế như thế này" - anh H. chua xót nói.
Trong các vụ tai nạn điện còn có nguyên nhân hy hữu do thả diều. Mấy tháng nay gia đình anh Ph.T.H (SN 1997, quê Tây Ninh) phải thay nhau chăm sóc và hiến da để giúp anh phục hồi. Bên hành lang bệnh viện, cha anh H. cho biết anh đã trải qua gần chục lần ghép da và ngày 16-6 là đợt ghép da gần nhất. Cha anh H. cho biết thêm ông cũng đã cho da ở hai đùi để ghép cho con, số tiền điều trị đã lên đến 400 triệu đồng nhưng không biết khi nào anh H. mới có thể xuất viện.
Cha anh H. chia sẻ: "Hôm ấy, con trai tôi cùng một cháu bé thả diều ở cánh đồng gần nhà, do con diều dính đường điện nên con tôi leo lên nóc nhà để lấy và bị tia lửa điện phóng thẳng vào người".
Vượt qua khủng hoảng
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy tai nạn phỏng điện thường gặp ở những công nhân làm việc tại các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ngoài việc bị phỏng, bệnh nhân còn bị những tổn thương khác như gãy xương, dập tủy do té từ trên cao sau khi bị điện giật. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng Khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết có khoảng 15%-20% bệnh nhân phỏng do điện, có đến 60% bị cắt cụt chi sau đó.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho hay nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của những người trong cuộc, đa số là do không bảo đảm về an toàn lao động. Trong các vụ tai nạn điện thì chủ công trình xây dựng, người quản lý, sử dụng lao động và cả người lao động thường không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong an toàn lao động. Nếu những công trình thi công bảo đảm về hành lang an toàn lưới điện, thì nhiều người trong độ tuổi lao động đã không trở thành phế nhân.
"Người sử dụng lao động cần phải bảo đảm các biện pháp an toàn lao động, bản thân người lao động cũng phải biết tự ý thức tuân thủ các biện pháp an toàn lao động như mang găng tay cách điện, giữ khoảng cách an toàn lưới điện khi làm việc" - bác sĩ Ngô Đức Hiệp nhấn mạnh.
Phỏng điện có thể nói là nỗi ám ảnh không chỉ chính các nạn nhân mà gia đình, người thân họ cũng phải gánh chịu nỗi đau, dằn vặt suốt đời. Đa số các nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình với tuổi đời còn rất trẻ, họ bị sốc tâm lý khi đang khỏe mạnh bỗng dưng bị đoạn chân, tay. Nhiều người bị sốc đến nổi có ý định tự tử, nên gia đình đóng vai trò quyết định trong việc giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, quen với cuộc sống mới sau tai nạn.
Để giúp nạn nhân làm quen với hiện tại sau tai nạn, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thường khuyến khích họ xem những clip về sống tích cực, tư duy tích cực như những clip về cuộc sống của Nick Vujicic (người Úc, không có tay chân).
Cấp cứu người bị phỏng điện
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp tư vấn nếu có người bị phỏng điện hoặc phỏng tia lửa điện, người ứng cứu cần cách ly nạn nhân khỏi nguồn điện bằng các vật dụng cách điện. Kịp thời nhấn tim, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở; nếu nạn nhân bị té từ trên cao, cần cố định cơ thể để hạn chế sang thương và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận (0)