Từ những triệu chứng và qua khai thác bệnh sử từ gia đình bệnh nhi cùng với những trường hợp bị tương tự tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận xử trí, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định các em bị ngộ độc nấm xâm nhập vào xác nhộng ve sầu.
Ngay lập tức, 5 bệnh nhi được can thiệp tích cực, điều trị giải độc. Sau hai ngày nhập viện, các em đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã dần bình phục.
Trước đó, ngày 14-5, nhóm bạn 15 em (từ 3-14 tuổi ngụ tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã vào rẫy đào nhộng ve sầu về chế biến và cùng ăn. Tuy nhiên, 4 giờ sau khi ăn, các em có biểu hiện nôn ói, rối loạn thần kinh (kích thích, run tay chân, co giật).
Lập tức các em được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hàm Tân và Bệnh viện tỉnh Bình Thuận. Trong đó, 5 em bị nặng nhất được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Kết quả nghiên cứu trước đó tại Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy nhộng ve sầu và các loài côn trùng như dế, đuông dừa, bọ cạp… có chứa các protide.
Khi chúng sống trong môi trường đất có nhiều bào tử nấm, gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, bào tử nấm sẽ nhiễm vào các con côn trùng và phát triển. Nấm độc sẽ biến thân mình của côn trùng thành nơi chứa đầy các sợi tơ độc, vì thế chúng gây ngộ độc nặng cho người nếu ăn phải.
Các bác sĩ cảnh báo, mùa hè đang đến, các bậc phụ huynh cần giáo dục cho trẻ biết phân biệt nhộng côn trùng nào có thể ăn được, loại nào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, tuyệt đối không ăn nhộng côn trùng đã chết và bị nhiễm nấm.
Bình luận (0)