Ngày 22-4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi với sự tham gia của đại diện các bệnh viện (BV), Sở Y tế 23 tỉnh, thành phía Bắc. Đây cũng là buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm điều trị đầu tiên sau hơn 4 tháng dịch sởi bùng phát làm hơn 100 trẻ tử vong.
Bệnh viện “đậm đặc” mầm bệnh
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng số mắc và tử vong do sởi năm 2014 là hiện tượng bất thường. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết: “Thời điểm cuối năm 2013, khi BV cùng lúc tiếp nhận 5 bệnh nhi sởi, tôi đã nhận thấy là bất thường nên yêu cầu thực hiện phân luồng bệnh nhi, phân tuyến điều trị để tránh hiện tượng lây chéo và đồng nhiễm các virus, vi khuẩn khác trong BV”.
Theo bác sĩ Khanh, để cứu một đứa trẻ bị sởi nặng với nhiều bệnh lý đi kèm thì chi phí gấp 20 lần so với điều trị một bệnh nhân sởi thông thường. Do vậy, phải phân tuyến điều trị tốt để tránh quá tải, giải thích cho bệnh nhân và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Khanh, trẻ mắc sởi thường sốt, viêm họng và ho sặc sụa nhưng điều này không đáng sợ bằng khi trẻ bắt đầu thở nhanh. Vì thế, khi thấy trẻ thở nhanh, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện ngay. “Một trong những sai lầm từ phía các phòng mạch tư là khi thấy trẻ sốt cao, ho nhiều nhưng chưa phát ban, các bác sĩ thường cho uống corticoid để giảm ho nhưng điều này dễ gây nguy hiểm bởi corticoid gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi thì bệnh sẽ nặng hơn” - bác sĩ Khanh lưu ý.
Các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý việc sàng lọc, cách ly bệnh nhân sởi. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, quan ngại rằng cứ bên ngoài cộng đồng có dịch gì thì trong BV có ổ dịch đấy, từ tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1 cho đến dịch sởi. “Thậm chí, trong đợt dịch này, có ngày nồng độ virus sởi trong BV Nhi trung ương thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này càng đòi hỏi phải chú trọng khử khuẩn BV” - ông cảnh báo.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho rằng tất cả ca mắc và tử vong do sởi năm nay đều rất khác thường, nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi nhanh. Buổi sáng trẻ còn rất tỉnh nhưng đến chiều đã khó thở và tối thì phải thở máy. Đặc biệt hơn nữa là không ít trường hợp đã cai máy thở, được xuất viện nhưng lại tái nhập viện chỉ sau 2-4 tuần trong tình trạng viêm phổi và lại phải thở máy. Điều này cho thấy virus sởi năm nay gây suy giảm miễn dịch ghê gớm đối với các bệnh nhi.
Theo PGS-TS Dũng, Khoa Nhi BV Bạch Mai đã ghi nhận 2 ca tử vong do biến chứng của sởi là 2 cặp sinh đôi. “Trẻ không chỉ tử vong do biến chứng sởi gây suy hô hấp. Có những cháu qua đời còn do biến chứng suy đa tạng như phổi, thận, gan… và đây là những biến chứng rất hiếm gặp ở bệnh nhi mắc sởi” - PGS Dũng nhận định. Ông cũng cho rằng “đặc tính” virus sởi năm nay cũng rất khác lạ so với các vụ dịch trước dù về mặt dịch tễ, giới chuyên môn chưa tìm thấy sự biến chủng của virus.
Thiếu minh bạch trong thống kê sởi?
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, đến ngày
22-4, ghi nhận tại 61/63 tỉnh, thành phố cho thấy đã có gần 3.500 trường hợp dương tính với sởi trong số gần 9.500 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Tuy vậy, con số tử vong được Bộ Y tế thống kê là 119 trường hợp, thấp hơn so với thực tế mà phóng viên ghi nhận tại các cơ sở điều trị.
Ông Phu cho biết đến thời điểm này, trong số 25 trẻ tử vong do sởi, chiếm tới 35% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa có chỉ định tiêm phòng vắc-xin sởi). Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân tử vong do sởi chiếm tới gần 50%.
Theo ông Phu, việc thống kê các ca mắc sởi tại nhiều địa phương thời gian qua có sự bất hợp lý. “Có tỉnh báo cáo lên Bộ Y tế 3 số liệu khác nhau do 3 đơn vị thống kê. Điều này cho thấy thông tin cần minh bạch, phải làm việc thật khoa học để có thể đưa ra con số chính xác phục vụ cho việc đánh giá tình hình dịch bệnh” - ông nói.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng BV phản ứng chậm trong điều trị khiến nhiều trẻ tử vong do sởi, PGS-TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, khẳng định: “BV không giấu giếm thông tin, tất cả đã được báo lên Bộ Y tế, còn việc xử lý thông tin như thế nào là do cơ quan quản lý”.
Tuy nhiên, PGS-TS An cho rằng có một điều nhìn thấy rõ trong vụ dịch này là công tác tiêm chủng thời gian qua giảm sút đã dẫn tới tình trạng bùng phát dịch bệnh. Vì thế, với những trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin, điều quan trọng là thông tin liên quan đến các sự cố tiêm chủng cần phải minh bạch để người dân yên tâm.
Bộ Y tế ra thông điệp phòng chống bệnh sởi
Ngày 22-4 sau hơn 4 tháng dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế đã ra thông điệp phòng chống bệnh sởi, trong đó đưa ra các thông tin về phương thức lây truyền, dấu hiệu mắc bệnh, cách chăm sóc trẻ mắc bệnh. Theo thông điệp này, khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các sơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị, hạn chế đưa lên tuyến trên để tránh nguy cơ nhiễm chéo trong BV.
Bình luận (0)