Tết đến, nhiều người có thói quen dự trữ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, nếu mua hoặc ăn nhầm thực phẩm không tươi tốt có chứa phụ gia độc hại dễ xảy ra sự cố như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng... hoặc cách sử dụng và bảo quản không đúng cũng dễ gây ra ngộ độc trong những ngày Xuân.
Nhận biết thịt, cá bị hư hỏng
Thực phẩm dù tươi sống hoặc đã qua chế biến, nấu nướng nếu không bảo đảm vệ sinh thì một số loài nấm men, mốc, vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn... xâm nhập và phát triển gây ra sự hư hỏng, nếu ăn phải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với các loại thịt, dấu hiệu của sự hư hỏng là không còn tính đàn hồi, săn chắc mà có nhầy nhớt, đổi màu từ hồng hoặc đỏ tươi sang màu xanh lục, xanh đen, có mùi thối, tanh nồng. Cá mắt đục, lõm vào, vây không còn óng ánh. Tôm tép không còn trong, đầu dễ bong tróc, thâm đen, cua thì rụng càng. Khi nấu chín thì thịt bở, thâm đen, thoáng mùi thối, vị hơi nhẫn.
Thức ăn chín khác như thịt kho tàu, giò chả, nem chua nếu để lâu ngày nhưng hâm không kỹ dễ sinh ra mùi thối, mốc, nhầy nhớt. Còn các loại vịt lạp, lạp xưởng, các cơ sở sản xuất thường sử dụng muối diêm nếu để lâu bị ôi hóa, mùi hôi khé, gắt dầu, vị đắng hoặc chua. Để tránh các sản phẩm như giò chả, giò sống, mì sợi, bún, đồ chay... chứa hàn the, chất bảo quản, chất tẩy trắng... nên mua các sản phẩm có đầy đủ nhãn hàng hóa, trên bao gói có dòng ghi chú sản phẩm không chứa chất phụ gia độc hại.
Hạn chế sử dụng bánh mứt nhiều màu sắc
Các loại hạt dưa, bí, mứt thèo lèo, bánh in... được sản xuất từ các loại hạt có chứa chất béo cao, rất dễ sinh ra meo mốc và độc tố có khả năng gây bệnh ung thư. Các loại mứt thì chậm hư hơn do lượng đường cao, nhưng mứt xên ướt mau hư hơn mứt khô. Để mứt trên 10 ngày dễ bị mốc đen, hoặc chua do lên men khác với vị chua ngọt tự nhiên của trái cây làm mứt. Khi mua các loại kẹo nhiều màu sắc sặc sỡ, mùi nồng so với đặc điểm tự nhiên của nguyên liệu... cần phải xem kỹ nhãn, hạn chế sử dụng cho trẻ nhỏ vì các cháu rất dễ mẫn cảm với phẩm màu và hương liệu. Độc tính của phẩm màu dễ gây buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, gây dị ứng, nổi mụn, ngứa, phù... Nếu sử dụng lâu dài làm tổn thương gan, thận, thần kinh, có thể gây đột biến, ung thư và cả ảnh hưởng đến bào thai.
Các loại dưa chua, nếu sản xuất không kỹ cũng sinh ra meo mốc, nhầy nhớt, đục nước. Hàn the hấp thu và thải qua da, tuyến mồ hôi 80%, qua phân 3%, còn lại tích lũy 15% lượng sử dụng không được đào thải. Muối diêm có chất nitrat, nitric kết hợp với ô xy ngoài không khí thành chất độc nitrosamine là tác nhân gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn thường dùng đường hóa học saccharine được sử dụng cho người ăn kiêng trong một số bệnh lý, dùng lâu dài với lượng lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn đường cyclamate bị cấm không cho sử dụng vì gây tổn thương gan, khi thí nghiệm trên chuột có ảnh hưởng đến tính di truyền của thế hệ con cái nhưng một số cơ sở không có thương hiệu, sản xuất chui thường dùng loại này.
Chọn lựa và bảo quản thực phẩm
Với mắt thường không thể phân biệt thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến có tẩm ướp chất độc hại hay không. Tốt nhất, người tiêu dùng không mua thực phẩm tươi sống bán rong, quầy sạp mất vệ sinh, không có tủ lạnh, không có kiểm dịch. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, nhất là ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn bảo quản. Thực phẩm khô không nhãn hiệu chỉ mua dùng dưới 10 ngày và rửa thực phẩm kỹ bằng nước sạch nhiều lần trước khi đem đông lạnh. Nên bảo quản đủ lạnh và không chất quá nhiều. Sử dụng sau 12 giờ nên để ngăn đá.
Bình luận (0)