Lần đó, cháu bé 5 tuổi con người đồng nghiệp của bạn tôi bị té xuống hồ bơi và ngạt nước, ngưng thở nên bạn tôi đã ấn ngực và hô hấp nhân tạo cho bé. Bạn tôi cũng chỉ làm theo những kiến thức căn bản được dạy hồi học phổ thông, ấn giữa ngực. Bé sống lại như có bị gãy và rạn vài xương sườn do có lẽ bạn tôi khá to khỏe, còn bé thì quá nhỏ nên ấn ngực quá tay.
Tôi đọc báo thấy tầm quan trọng của động tác này và biết nó không khó vì có những trường hợp trẻ con cũng cứu được người. Tuy nhiên, hồi cấp 2-3, tôi chỉ được học sơ cứu cho người lớn hoặc bằng cỡ mình, tôi thắc mắc trẻ con nhỏ vậy có cần làm nhẹ hơn hay khác đi không? Tôi chuẩn bị đi biển với gia đình, trong đó rất nhiều trẻ con nên muốn tự trang bị kiến thức.
(Trần Văn Bình, 40 tuổi, quận 3, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM):
Ấn tim (còn gọi là ấn ngực) và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo), gọi chung là hồi sinh tim phổi - CPR (Cardiopulmonary resuscitation), là phương pháp sơ cứu tại chỗ dành cho các trường hợp nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở. Với trẻ đuổi nước (do bơi ở sông, hồ, biển, té vào xô, lu, hồ cá…) nhiều trường hợp đã ngưng tim, ngưng thở, nên cần được thực hiện CPR song song với việc gọi xe cấp cứu.
Người ngưng tim, ngưng thở chỉ có tối đa 4 phút thời gian vàng nên cần được ấn tim, thổi ngạt càng sớm càng tốt. Qua thời gian vàng, cơ hội sống sót giảm rất thấp và nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề.
Cách thực hiện CPR ở người lớn và trẻ con hầu như giống nhau nhưng đúng như anh suy nghĩ, trẻ quá nhỏ thì nên điều chỉnh đôi chút để động tác ấn tim có độ mạnh vừa phải.
Với người lớn, người ta dùng lực hai bàn tay để ấn tim. Nhưng với trẻ dưới 1 tuổi, chỉ dùng lực của 2 ngón tay người lớn ấn mạnh vào khu vực nửa dưới xương ức. Trẻ 1-8 tuổi thì dùng lực của 1 bàn tay. Tuy nhiên, điều này cũng nên linh động dựa trên kích thước của trẻ. Nếu bé dưới 8 tuổi nhưng to con như trẻ trên 8 tuổi thì phải dùng lực hai bàn tay như ở người lớn.
Ấn tim bằng 2 ngón tay người lớn ở trẻ dưới 1 tuổi -ảnh: CPR WORKS OF CHARLOTTE
Ấn tim bằng lực 1 bàn tay ở trẻ 1-8 tuổi - ảnh: EMERGENCY LIVE
Ấn tim bằng lực 2 bàn tay ở trẻ 8 tuổi trở lên - ảnh: EMERGENCY LIVE
Muốn biết mình ấn tim đủ mạnh hay không, bạn hãy chú ý độ lõm vào của lồng ngực mình tạo ra sau mỗi cú ấn: 1/3 đến 1/2 chiều sâu lồng ngực là vừa đủ.
Cách thực hiện CPR cũng giống như ở người lớn: ấn tim phải với tốc độ nhanh từ 100-120 lần/phút, đặt trẻ trên mặt phẳng cứng; thổi ngạt thì nhớ ngửa cổ trẻ ra vừa phải cho đường thở được thông suốt, lấy dị vật mắc trong cổ (rong, rêu) ra nếu có. Nếu chỉ có 1 người sơ cứu, cứ lần lượt ấn tim 30 cái, thổi ngạt 2 cái. Nếu có 2 người sơ cứu thì ấn tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái.
Thổi ngạt cho trẻ - ảnh: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Điều quan trọng nhất là anh hãy bình tĩnh và tự tin vào kiến thức đã có của mình để thực hiện ngay CPR khi tình huống xấu xảy ra, vì thời gian vàng rất ngắn.
Bình luận (0)