Vào những ngày nóng nực, nên hạn chế sử dụng các loại thịt nướng tẩm ướp nhiều gia vị cay, mặn. Ảnh: Xuân Thảo
Tránh thực phẩm có tính nhiệt
Trời nắng nóng sẽ dễ sinh hỏa độc, nhiệt độc nếu chúng ta ăn nhiều đồ cay, nóng, nhiều chất béo, ngọt. Hỏa độc, nhiệt độc có thể gây lở loét, đau nóng, rát.
Do đó, vào mùa hè chúng ta nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm có tính nhiệt như: một số loại thịt (dê, chó, hoẵng, chim sẻ), một số trái cây (long nhãn, vải, mít), một số loại rau, củ hoặc gia vị (hẹ, hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang), rượu trắng... Các loại thịt nướng tẩm ướp nhiều gia vị cay, mặn cũng nên hạn chế sử dụng.
Chọn thực phẩm có tính hàn
Để bảo vệ tốt cho sức khỏe giữa tiết trời nóng nực, chúng ta phải chọn những thực phẩm mang tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, giải độc và bổ dưỡng âm khí.
Cụ thể, về các loại quả thì nên chọn các loại dưa (hấu, chuột, gang), khổ qua, lê, cam, quýt, chuối tiêu, bầu, bí đao. Dưa hấu thì đã được coi là “vua các trái cây” trong mùa hè. Khổ qua thì đứng đầu trong danh sách thực phẩm giải nhiệt; đây là loại quả có tác dụng tốt cho mắt, giải khát, giải nhiệt, bổ khí; ăn sống, luộc, xào với trứng, nhồi thịt hầm hoặc xắt ra phơi khô dùng thay trà đều có tác dụng thanh nhiệt. Canh bầu nấu với tôm, tép hay cua là những món ăn dân dã nhưng công dụng bồi bổ và giải nhiệt rất tốt.
Ngoài các loại quả, còn có các loại rau (súp lơ, đay, mồng tơi, dền), củ sắn, ngó sen, cà chua, đậu xanh, đậu đen… Về thịt, nên dùng thịt vịt tốt hơn thịt gà; với các loại hải sản, nên dùng cua, hàu, ốc, trai, sò, hến, ngao...; các loại trà hoắc hương, nụ vối, hương nhu, lá sen, atiso, nhân trần...; các loại canh chua chế biến từ cà chua, khế, me, sấu nấu với cua, hến, thịt nạc… rất thích hợp cho việc giải nhiệt. Các loại cháo chế biến từ đậu xanh, đậu cô ve, ý dĩ, hạt sen, củ mài, bạch biển đậu..., đặc biệt là cháo đậu đen hầm gà ác có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong tiết trời nóng nực. Đây cũng là món ăn lợi tiểu, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Trợ giúp khí dương
Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất qua đường ăn uống bằng cách trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân chỉ khát như thạch đen, chè đậu đen, trà mạch môn; các loại nước ép từ lê, ngó sen, mã thầy, mơ, mận, dâu, mía lau...
Điều cần lưu ý là tuy mùa hè nóng nực nên phải dùng nhiều thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải thử nhưng vẫn cần trợ giúp khí dương. Bởi mùa hè dương khí vượng bên ngoài nhưng tiềm ẩn khí âm bên trong cơ thể, nếu không giữ gìn dương khí thì sẽ mắc nhiều bệnh tật vào mùa đông, đặc biệt đối với những người thể chất vốn suy nhược do dương khí kém hoặc đang có bệnh mãn tính. Những món ăn đặc biệt có tác dụng tốt cho mục đích này là ba ba hầm chuối đậu, đông trùng hạ thảo hầm thịt vịt hoặc các món ăn chế biến từ các loại nấm (rơm, mỡ, hương, kim châm...), hạt sen, tổ yến, phấn hoa, sữa ong chúa...
Chú ý nghỉ ngơi hợp lý Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ẩm thực thanh đạm, dễ tiêu hóa trong mùa hè, chúng ta nên chú ý nghỉ ngơi hợp lý, không lao lực quá độ trong mùa hè nóng nực, không phơi nắng quá nhiều, sau khi ra mồ hôi nên thay quần áo ngay. Những ngày quá nóng bức, chúng ta có thể dùng một chút nước đá hoặc nước ướp lạnh để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng chỉ dùng vừa phải. Nếu dùng nhiều sẽ gây thương tổn tì vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. |
Bình luận (0)